Trang chủ » Bài văn kể về một kỉ niệm tuổi thơ lớp 6 hay nhất

Bài văn kể về một kỉ niệm tuổi thơ lớp 6 hay nhất

Bài làm 1
 
Tuổi thơ là quãng thời gian đẹp đẽ và êm đềm nhất đối với mỗi chúng ta. Tuổi thơ ấy lưu giữ biết bao kỉ niệm, có những kỉ niệm vui, cũng có những kỉ niệm buồn, nhưng tất cả chúng đều giúp ta khôn lớn, trưởng thành hơn. Trong những kí ức đẹp đẽ ấy, lần tôi về quê đã để lại trong tôi những ấn tượng sâu sắc và một kỉ niệm khiến tôi không bao giờ quên.
 Sau một năm học tập vất vả, bố mẹ cho tôi về quê chơi một tuần để thăm ông bà và họ hàng. Nghe được điều ấy tôi đã buồn chán biết nhường nào, tôi liên tưởng đến những ngày hè nhàm chán, nóng nực ở quê nhà mà lòng buồn rượi rượi. Nhưng bố mẹ đã quyết định nên tôi chẳng dám phản đối. Ngày bố mẹ đưa tôi ra xe để về quê lòng tôi buồn thắt lại. Chiếc xe chuyển bánh, hình ảnh thành phố tấp nập xa dần, quang cảnh bắt đầu chuyển sang những cánh đồng lúa xanh rì bát ngát, trải dài đến tận chân trời, nhà cửa cũng dần thưa thớt hơn. Quê tôi ở ngoại thành Hà Nội, đi chỉ trong vòng một giờ đồng hồ đã đến nơi. Đến điểm dừng xe, ông bà và các anh em đã chờ sẵn để đón tôi. Mọi người ai cũng hớn hở, vui mừng.
 
   Ông bà đưa tôi về nhà, tôi rửa mặt mũi rồi đứa em tên Hòa kéo tôi sang nhà của em. Em dẫn tôi vào một góc bí mật và lôi ra không biết bao nhiêu là giấy màu, nan tre,… Cu cậu bảo biết tôi sẽ về nên để dành những thứ này chờ tôi đến làm sáo diều. Nói xong Hòa cười giòn tan, nụ cười trong trẻo làm tôi thấy thân thiết ngay với Hòa, dù trước đây tôi và em rất ít khi trò chuyện với nhau.
 
Chỉ một lát sau Hòa đã lôi hết dụng cụ ra giữa sân và em bắt đầu bày cho tôi cách làm diều. Những nan tre được vót sẵn, nhẵn thín, những tấm giấy màu xanh đỏ trông thật sặc sỡ,… Hòa vừa hướng dẫn tôi, vừa làm nhoay nhoáy cái diều của mình vậy mà chẳng mấy chốc diều của em đã hoàn thành. Một chiếc diều lớn với màu đỏ rực làm chủ đạo. Sau một hồi hì hụi, cuối cùng diều của tôi cũng hoàn thành, nó siêu vẹo và có vẻ hơi yếu. Nhưng tôi vẫn rất vui, vì đây là lần đầu tiên tôi tự làm được một món đồ chơi cho riêng mình. Làm xong con diều chúng tôi ra triền đê của làng thả, Hòa thả diều vô cùng điệu nghệ, chẳng mấy chốc diều đã bay lên cao vút, hòa trong tiếng gió là tiếng sáo diều vi vu, nghe thật dịu dàng, êm đềm, thiết tha. Cứ vậy cả buổi chiều chúng tôi chơi đùa với nhau. Hòa đã làm tôi thay đổi hẳn suy nghĩ của mình về kì nghỉ hè nhàm chán ở quê.
 
   Những ngày sau đó, tôi còn được Hòa đưa đi khám phá rất nhiều điều thú vị khác: chăn trâu, bắt cá, bơi sông,… những niềm vui tuổi thơ mà tôi sẽ chẳng bao giờ có được nếu không có kì nghỉ hè này.
 
   Kết thúc kì nghỉ, tôi lưu luyến chẳng muốn rời xa quê hương, rời xa ông bà và bé Hòa. Kì nghỉ này đã khiến cho tôi thêm yêu quê hương, yêu nơi chôn rau cắt rốn của mình. Những kỉ niệm này tôi sẽ mãi khắc ghi trong tim, nó cũng đồng thời là động lực để tôi phấn đấu học tập thật tốt để xây dựng quê hương thêm giàu đẹp.
 
Bài làm 2
 
Cô giáo vẫn thường nói với chúng tôi “những ai có tuổi thơ vui vẻ là người may mắn vì tuổi thơ rất quan trọng đối với mỗi chúng ta”. Tôi nghĩ mình là đứa trẻ may mắn vì lớn lên trong đầy ắp những kỉ niệm của tuổi ấu thơ. Mặc dù có những kỉ niệm buồn nhưng nghĩ lại vẫn thấy mình hạnh phúc. Kỉ niệm khiến tôi nhớ mãi là kỉ niệm về quê ngoại bắt cá đồng cùng các bạn ở quê trong kì nghỉ hè rồi.
Quê ngoại tôi ở một vùng quê cách nơi tôi ở chừng 100 cây số, đó là một vùng đồng ruộng mênh mông và xinh đẹp, nơi tôi rất thích trở về. Tôi thích những lúc trời mưa ngồi bên khung cửa sổ ngắm từng hạt mưa tí tách rơi xuống tàu lá chuối. Tôi muốn ra vườn cùng ngoại mỗi sớm mai để hứng những giọt sương đầu tiên còn đọng lại. Tôi yêu tất cả những gì thân thuộc của quê mình cũng như yêu những trò chơi của các bạn nhỏ nông thôn. Hè năm rồi, tôi được về ngoại chơi một tháng trước khi nhập học. Đây có lẻ là khoảng thời gian tôi mong đợi nhất trong năm. Gần nhà ngoại tôi có một bạn khoảng tuổi tôi, bạn ấy tên Nam, chẳng bao giờ thấy bạn ấy ra sân chơi cùng chúng tôi. Các bạn bảo cậu ấy ít nói, cứ lầm lì chơi một mình. Nam bỏ học giửa chừng vì lười biếng nên càng ít bạn bè hơn. Nghe đâu bạn ấy còn hay đánh nhau với tụi trẻ xóm trên nên cha mẹ của tụi con nít xóm tôi không muốn con mình chơi cùng.
Ban đầu tôi cũng chẳng để tâm nhưng có một lần tôi ra sau vườn và lén nhìn sang bên vườn nhà Nam thì thấy Nam đang đọc sách. Tôi ngạc nhiên xem kĩ thì thấy Nam cố gắng viết những nét chữ to đùng lên giấy, rồi đánh vần rất khó khăn. Thích thú với trò trộm xem Nam học nên trưa nào tôi cũng len lén nhìn sang. Lần đó Nam học thuộc bài thơ, đọc mấy lần bạn ấy vẫn quên nên tôi buộc miệng nhắc. Nghe có tiếng động Nam chạy lại hàng rào. Tôi không dám nhút nhít vì sợ Nam phát hiện, tim đập thật nhanh vì nghĩ mình có thể bị ăn đòn. Nam phát hiện ra tôi, tôi chờ đợi sự nổi giận của Nam nhưng không. Nam mỉm cười với tôi, nụ cười thật hiền, Nam hỏi:
 
Bạn là Trinh cháu dì năm phải không?
Tôi lúng túng:
 
ừ, là mình.
Tôi là Nam, mấy bữa nay bạn là người lén nhìn tôi phải không?
Tôi chỉ tò mò thôi.
Nam gãy đầu, cái đầu tròn lẵng nhiều vết sẹo:
Bạn ở thành phố chắc học giỏi lắm phải không? Bạn rảnh chỉ mình tí bài này, khó quá.
Tôi thắc mắc:
 
Bạn đã nghĩ học rồi mà.
ừ, tôi nghỉ rồi vì học dốt quá, nhưng tôi muốn đi học lại, ở nhà buồn quá không có bạn bè chơi cùng.’
Tôi chui qua lỗ rào rồi vui vẻ chỉ bài cho Nam. Thật ra Nam không lười học như mọi người nghĩ mà vì bạn ấy học rất chậm không theo kịp bạn bè. Từ ngày hôm đó, tôi trở thành gia sư bất đắc dĩ của Nam, ngoài việc chậm chạp một chút Nam cũng siêng năng nên bạn ấy đã tiến bộ hơn. Chúng tôi trở nên thân thiết hơn, Nam bắt đầu kể cho tôi nghe gia đình bạn và những câu chuyện khiến tôi thích thú như đi bắt ong, bẩy chim, bắt cá lên mùa mưa…Thật sự Nam không phải đứa trẻ hư như mọi người nghĩ, Nam đánh nhau là vì những đứa trẻ xóm trên thường trêu chọc Nam không có mẹ, chọc Nam học dốt, ngu ngốc. Nam nói với tôi Nam cũng muốn chơi cùng chúng tôi nhưng sợ cha mẹ các bạn không thích nên thôi. Tôi thấy thương Nam nhiều hơn vì Nam chịu quá nhiều thiệt thòi mà vẫn vui vẻ, lạc quan.
 
Ngoài chuyện học ra thì thứ gì Nam cũng giỏi. Có bữa Nam bắt được cả một giỏ cua đồng đem cho bà tôi. Nam dẫn tôi đi bắt dế, đào trùng câu cá, Nam câu dính rất nhiều cá còn tôi thì cả buổi chỉ mỗi giỏ không. Một lần Nam hỏi tôi có bao giờ bắt cá đìa hay chưa, tôi lắc đầu ngạc nhiên và háo hức khi Nam hứa sẽ cho tôi một lần bắt cá thật vui. Nam chọn một cái ao nhỏ và ít nữa, bảo tôi:
 
Trinh ngồi trên bờ đợi tôi, tôi tát ao một lát hết nước rồi mình bắt cá, hôm nay tôi đãi Trinh món cá lóc nướng rơm tuyệt cú mèo.
Nhìn thầy cái dáng còm cõi của Nam tát từng gàu nước tôi chợt nghĩ ra một điều liền chạy đi tìm các bạn. Chỉ lát sau chúng tôi đã có 4 người, chúng tôi cùng tát nước với Nam. Chẳng mấy chốc nước đã cạn những chú cá vẫy đuôi dưới bùn. Chúng tôi cùng bắt cá và chuyện trò vui vẻ. Bùn dính lên cả mặt, chỉ chừa lại hai con mắt, chúng tôi nhìn nhau thích thú. Nam vừa bắt cá vừa kể chuyện cho chúng tôi nghe, những trận cười giòn tan của chúng tôi làm dịu đi cái nắng gay gắt trưa hè và khiến tình bạn chúng tôi thắm thiết hơn. Lần đầu tiên trong đời tôi được trải nghiệm cảm giác của người nông dân tay lắm chân bùn mà vui vẻ , hạnh phúc. Nhìn những con cá rô, cá lóc đầy bùn đất lại thương quê hương nhiều hơn, mến Nam nhiều hơn. Chúng tôi bội thu cả một thùng cá to, cá nhỏ. Nam chia đều cho mọi người, riêng phần tôi Nam biếu riêng cho ngoại những chú cá to nhất. Chúng tôi tạm chia tay nhau và hẹn tối sẽ đốt lửa nướng cá cùng ăn.
 
      Ánh lửa buổi tối thật sáng và ấm áp, chúng tôi ngồi quây quần bên nhau nướng những chú cá vàng ươm. Mùi thơm của cá hòa vào mùi rơm rạ khiến tôi nhớ mãi đến bây giờ. Cái cảm giác hiền hòa bất chợt đến như nhìn thấy nụ cười của mẹ. Nhờ lần ấy mà các bạn trong xóm đã hiểu Nam hơn, gần gũi Nam hơn.
 
      Tôi sẽ chẳng bao giờ quên cái cảm giác vui vẻ khi bên cạnh Nam, không thể quên người bạn chân thành cũng như không thể quên quê ngoại thân yêu, nơi đã cho tôi rất nhiều kỉ niệm tuổi thơ. Có đi suốt đời tôi cũng chẳng tìm đâu ra một miền kí ức ngọt ngào như thế. Tôi sẽ giữ mãi kí ức vào lòng làm hành trang cho quãng đường sắp tới.
 
Bài làm 3
 
 Đó là một hôm trời oi bức, Lan – đứa bạn thân của tôi đứng trước cổng chờ tôi đi học. Lan gọi rối rít: “Phương Anh ơi! Nhanh lên, muộn học rồi!”. Tôi cuống quýt mặc quần áo và vội vàng chạy ra cửa. mẹ tôi nhẹ nhàng nói:
 
– Con à! Nhớ đem theo quần áo mưa đi, hôm nay trời oi dễ mưa lắm đấy!húc 
 
Tôi đang vội nên vừa nghe thấy mẹ nói, tôi gắt lên:
 
– Mẹ đem cất quần áo mưa đi! Trời như thế này làm sao mà mưa được? Con mang nhiều sách vở, lại cầm thêm áo mưa thì nặng lắm.
 
 Nói xong, tôi và Lan cùng chạy vội đến trường. May sao cho chúng tôi vừa bước vào lớp thì bác bảo vệ mới đánh trống vào học. Bốn tiết trôi qua nhanh chóng. Nhưng đến tiết thứ năm, tôi nhìn ra bầu trời: mây đen ùn ùn kéo đến mỗi lúc một nhiều, gió bắt đầu thổi, sấm chớp liên hồi, báo hiệu một cơn mưa to sắp đến. Tôi bắt đầu lo lắng vì mình không mang áo mưa nên sẽ không về được. Trống tan học vang lên nhưng cơn mưa vẫn không có dấu hiệu tạnh đi. Các bạn của tôi đã đi về hết, bạn thì có áo mưa, bạn thì có người đến đón, chỉ còn lại mình tôi đứng lủi thủi dưới mái hiên. Đứng đợi một hồi lâu, tôi bông thấy mẹ tôi tất tưởi chạy lại mặc áo mưa cho tôi. Tôi lại to tiếng trách mẹ:
 
– Sao mẹ mãi bây giờ mới đến? Mẹ biết con không mang áo mưa thì phải đến đón sớm chứ? Làm con đợi mãi!
 
Mẹ mỉm cười dịu dàng với tôi. Mẹ chỉ mang một bộ áo mưa nên mẹ đã nhường tôi mặc còn mẹ chỉ đọi mỗi chiếc nón cũ. Về đến nhà, dù người vẫn còn ướt sũng nhưng mẹ tôi đã bắt tôi thay nhanh quần áo, lên giường nằm để khỏi cảm. Tôi ương bướng không chịu ăn. Mẹ nhẫn nại đút cho tôi từng thìa cháo nhưng tôi chẳng muốn ăn nên lại gắt gỏng:
 
– Con không muốn ăn. Mẹ muốn thì cứ ăn đi!
 
 Vừa nói tôi vừa đẩy bát cháo ra. “Choang!”. Tiếng bát vỡ làm tôi giật mình nhưng vẫn ương bướng, tôi trùm chăn kín mít người lại, không dám nhìn mẹ nữa. Ngồi trong chăn, tôi nghe thấy tiếng loảng xoảng mẹ nhặt những mảnh vỡ của bát cháo. Len lén nhìn mẹ, tôi thấy những giọt nước mắt lăn trên gò má xanh xao, tái nhợt. Lúc ấy, tôi bỗng cảm thấy thật thương mẹ và ân hận biết bao. Thế nhưng, tôi đã không xin lỗi mẹ. Cảm giác mệt mỏi làm tôi chìm vào giấc ngủ sâu.
 
Sáng hôm sau thức dậy, không còn mệt, tôi cảm thấy thật đói bụng. Tôi kêu to:
 
– Mẹ ơi! Mẹ! Con đói quá! Mẹ nấu gì cho con ăn nhé!
 
 Không có ai trả lời. Lạ thật! Tôi liền đi tìm mẹ khắp nhà. Căn nhà trống trải, không có ai. Bỗng tôi nhìn thấy một mảnh giấy đặt ở bàn. Là nét chữ của bố: “Con à! Đêm qua mẹ con lên cơn sốt cao, phải đưa vào bệnh viện. Con ở nhà một mình tự nấu cơm và đi học nhé! Bố phải ở lại bệnh viện chăm sóc mẹ con!”.
 
 Tôi sững sờ tột cùng. Mắt tôi ỗng dưng nhòe đi. Tất cả là vì tôi. Vì tôi mà mẹ phải đi giữa trời mưa mà không có áo mưa. Vì tôi mà mẹ không lo cho mình, chỉ lo lắng cho mỗi mình tôi. Tại sao tôi lại ích kỉ như vậy? Tại sao tôi chỉ nghĩ đến việc tôi bị ướt mà không nghĩ mẹ cũng đã ướt sũng cả người? Tại sao tôi lại hắt đi bát cháo mẹ nấu? Tại sao tôi lại làm mẹ khóc? Những câu hỏi liên tục được đặt ra trong đầu tôi. Càng tự trách mình, tôi lại càng thương mẹ. Tôi liền chạy ngay đến bệnh viện để thăm mẹ. Nhìn mẹ xanh xao nằm trên giường bệnh, tôi ào lên khóc nức nở. Mẹ tôi vẫn hiền dịu nhìn tôi, nhẹ nhàng nói:
 
– Đừng khóc nữa con! Mẹ không sao mà! Chỉ sốt nhẹ thôi! Tôi vẫn khgóc không ngừng.
 
– Con xin lỗi mẹ! Tại con… tại con mà…mẹ…
 
– Con biết lỗi là tốt rồi. Mẹ không giận con đâu. Nín đi con!
 
 Mẹ tôi thật hiền từ, thật rộng lượng. sau đó, ngày nào tôi cũng đến chăm sóc mẹ thật chu đáo và kể những câu chuyện vui cho mẹ đỡ buồn. Chỉ ít ngày sau đó, mẹ tôi đã khỏe hẳn và xuất viện.
 
 Dù chuyện đó xảy ra cách đây đã lâu nhưng nó vẫn luôn khắc sâu trong trí nhớ của tôi. Nó là bài học đáng nhớ và quý giá nhất mà tôi đã học được. Tình yêu thương bao la, là động lực để tôi vững lòng trên con đường đời đầy gian nan phía trước.

Leave a Comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Scroll to Top