Trang chủ » Bài văn kể về ông bà của em lớp 6 hay nhất

Bài văn kể về ông bà của em lớp 6 hay nhất

Bài làm 1
 
Ông ngoại em là người mà em yêu mến nhất. Ông rất gần gũi và chăm nom trong cả quãng đời thơ ấu.
 
  Ông em năm nay đã ngoài 70 tuổi. Ông có vóc người gầy gầy, nhưng đi lại vẫn còn nhanh nhẹn. Hằng ngày ông thường mặc bộ đồ bà ba màu xám trông rất sạch sẽ. Khi đi đâu thì ông mặc quần tây áo sơ mi. Khuôn mặt ông gầy gầy, xương xương vì ông phải trải qua bao nhọc nhằn, vất vả. Tóc ông bạc gần hết, chải ngược ra sau để lộ vầng trán cao cao, hằn in nhiều nhằn. Đôi mắt ông còn rất sáng. Mỗi tối ông thường xem ti vi, chương trình thời sự. Răng ông đã rụng mấy cái làm cho cái miệng ông móm mém. Đôi bàn tay xương xương và rám nắng của ông minh chứng một điều ông đã phải trải qua những tháng ngày vất vả để nuôi con cháu. Thế nhưng, hiện giờ đôi bàn tay ấy vẫn còn nhanh nhẹn. Mỗi buổi chiều ông thường xách nước tưới cây kiểng và chăm sóc cây, đó là một thói quen mà ông không thế bỏ được. Vườn cây của ông mùa nào quả nấy. Mỗi lần về thăm ngoại, chúng em tha hồ hái ăn mà không hề bị rầy la. Ông em luôn qua tâm đến con, cháu. Ông nhắc nhở từng li, từng tí, ông dạy chúng em biết yêu thương và quan tâm đến mọi người xung quanh. Ông đối xử tốt với những người trong xóm nên ai cũng quý ông.
 
Thương ông, em mong ông khỏe mạnh sống thật lâu. Ông như bóng mát của cây đa để cho con cháu làm chỗ dựa và phấn đấu vươn lên trong học tập và trong cuộc sống.
 
Bài làm 2
 
Trong mỗi chúng ta ai cũng có ông bà và ba mẹ, có những người may mắn được sống cùng ông bà, được tận hưởng tình thương yêu trọn vẹn của ông bà, nhưng không ít bạn nhỏ khi sinh ra đã không được gặp ông bà của mình nữa. Tôi chỉ được sống với ông trong thời gian không nhiều, nhưng những kỉ niệm về ông thì có đi hết cuộc đời này tôi cũng không quên.
 
Nhìn di ảnh của ông trên bàn thờ, trước mặt tôi ông như đang đứng cạnh mình. Khi còn sống ông có vóc dáng cao, dáng đi mạnh mẽ và đôi bàn tay rắn rỏi. Đôi mắt ông tuy không còn tinh nhanh như hồi còn trong quân ngũ nữa nhưng trong đôi mắt ấy, tôi vẫn thấy một tình yêu thương con cháu vô hạn. Nhưng điều tôi thích nhất ở ông là bộ râu xoăn, bạc trắng mà hồi nhỏ tôi thường cố vuốt cho thẳng. Mỗi lần như vậy ông chỉ cười như muốn nói: "Cháu ông vẫn còn bé quá".
 
Tuổi thơ của chúng ta luôn cần một thiên thần hộ mệnh, người sẽ luôn ở bên để xua đi nỗi sợ hãi và an ủi khi cần thiết hay khích lệ trong lúc khó khăn. Đối với tôi, thì thiên thần ấy chính là ông. Tuy rằng ông không còn trẻ và đẹp như những thiên thần mà tôi thường xuyên được nghe kể trong các câu chuyện cổ nhưng ông luôn biết cách làm cho tôi vui và hướng tâm hồn non nớt của tôi tới cái thiện. Đối với tôi, thế cũng đã quá đủ, đáng trân trọng quá rồi.
 
Hồi đó tôi còn nhỏ lắm mà ông tôi cũng còn rất khỏe, bố mẹ thường bận công tác xa nên ông là người luôn bên tôi và chăm sóc tôi. Nhiều đêm tôi khóc nức nở vì nhớ mẹ, ông ôm tôi vào lòng, kể cho tôi nghe những câu chuyện cổ tích bằng chất giọng Huế, nhẹ nhàng và ấm áp đến kì lạ. Vậy nên ngay khi ông bắt đầu kể chuyện tôi cảm thấy ấm áp vô cùng. Tôi dần dần quen hơi ông, không còn nhớ ba mẹ nữa, mà ngược lại tôi lại thấy gần gũi với ông hơn là với bố mẹ. Những lúc tôi ngã đau, ông thường đỡ tôi dậy, xoa xoa vào chỗ đau tồi ôn tồn bảo: "Cháu nhìn này, chỗ xước này, chỉ mấy hôm nữa là sẽ khỏi thôi nhưng sau đó cháu sẽ biết đi đứng thận trọng hơn để khỏi ngã". Và đúng như thế thật, sau mỗi lần ngã là tôi rút ra kinh nghiệm để không lặp lại sai lầm.
 
Khi tôi vào lớp một, món quà mà ông tặng tôi khiến tôi rất bất ngờ, đó là con lật đật. Ông bảo con lật đật luôn biết đứng dậy sau khi ngã và ông muốn tôi cũng như nó. Nhẹ nhàng, từng chút một, ông đã cho tôi những bài học đường đời đầu tiên để làm hành trang cho mai sau. Mỗi tối học bài, ông là người kèm tôi học, ông nắn nót cho tôi từng nét chữ, dạy tôi học toán học văn.
 
Khi tôi học lớp lớn hơn, ông không phải kèm tôi học nữa vì tôi đã có ý thức tự học, nhưng như một thói quen tôi vẫn ông ngời cạnh để nghe tôi đọc một bài văn hay chỉ cho ông biết tôi đã giải bài toán khó đó thế nào. Ông luôn khen ngợi động viên tôi. Những lời động viên, khích lệ ấy thực sự cần thiết cho một đứa trẻ. Mỗi lần nghe những lời ân cần ấy, tôi lại thấy vui và tôi biết rằng mình không đơn độc. Ngay cả khi tôi đập mấy cái bát trong nhà để lấy sành chơi nhảy ô hay khi tôi phạm lỗi ở lớp phải làm bản kiểm điểm, ông không trách mắng mà chỉ nhìn vào mắt tôi và bảo: "Cháu có thấy mình có lỗi không?". Chỉ như vậy thôi nhưng tôi lại cảm thấy rất buồn và hối lỗi bởi tôi biết đã khiến ông thất vọng.
 
Thế rồi ông mỗi lúc một già đi, sức khỏe yếu đi, ông không thể cũng chơi và cùng học với tôi nữa. Vào một ngày mùa đông lạnh giá, ông đã mãi mãi ra đi. Nghe tin ông mất trời đất dưới chân tôi như đổ sụp, tôi buồn bã và nhớ thương ông vô cùng. Bao nhiêu kỉ niệm của hai ông cháu cứ hiện về trong tôi. Ông đã nuôi dạy tôi lên người, tôi đã tự hứa với long sau lớn lên sẽ đền đáp công lao của ông, nhưng tôi chưa làm được gì thì ông đã vình viễn ra đi.
 
Bây giờ ông tôi không còn nữa, tôi cũng không làm được gì để báo đáp công lao của ông, tôi chỉ tự nhủ rằng, chắc chắn ông vẫn đang dõi theo tôi, vẫn che chở cho tôi và luôn muốn tôi sống thật tốt như những gì khi còn sống ông đã dạy bảo tôi.
 
Bài làm 3
 
Mỗi lần về thăm ông, lòng tôi lại dâng trào một tình cảm yêu thương đặc biệt mà tôi chưa bao giờ khám phá được.
 
Ông đã ngoài bảy mươi nhưng nhìn ông vẫn còn nhanh nhẹn lắm. Vóc dáng ông bây giờ khác hẳn với hồi ông còn là một chiến sỹ trẻ. Chắc hẳn đồng đội của ông ngày ấy khó mà tin được ông chính là anh Thu, một thanh niên xung phong được xếp vào hạng dẻo dai nhất toàn tiểu đội. Giờ đây, mái tóc xanh của ông đã bị thời gian chiếm đoạt, thay thế vào đó là một màu trắng như những đám mây hiền hoà. Những tháng ngày phục vụ quê hương, gia đình đã để lại cho ông một làn da ngăm ngăm đen. Không chỉ có vậy, tuổi già đã đổi làn da mềm mại của ông với những nếp nhăn và vết đồi mồi trên bàn tay chai sạm âý. Gương mặt hiền từ như một ông bụt trong truyện thần tiên thì có lẽ chẳng kẻ nào có thể lấy được của ông tôi cả. Đôi mắt ông luôn ánh lên một tia sáng ấm áp, dịu ngọt, sưởi ấm biết bao tim lầm lỗi. Ông với nụ cười tinh khiết như những đoá hoa thơm mát, đã tiếp thêm sức mạnh cho tôi vượt qua khó khăn. Từng bước đi thật dứt khoát, nhanh nhẹn giống hệt đức tính của ông, một anh thanh niên đầy nhiẹt huyết. Ông có một vẻ giản dị, đầy phong cách của một người lao động chân chính, với bộ quần áo nâu và đôi dép cao su. Đặc biệt thời còn trẻ, ông có năng khiếu hát nên cũng trở thành một gương mặt quen thuộc của đoàn diễn. Bà tôi lúc đó là một cô du kích xinh đẹp, đã có những cảm xúc đầu tiên khi nhìn thấy ông. Với giọng hát vàng của ông và một khuôn mặt khá bảnh trai, mà ông tôi đã trở thành một thanh niên tốt số. Dù đã sống hơn nửa đời người, nhưng ông vẫn chăm chỉ lắm. Nhất là về việc chăm sóc cây thì ông quả là một thiên tài. Chẳng thế, mà khu vườn xinh xắn của ông lúc nào cũng tươi tốt do bàn tay khéo kéo ấy chăm bón. Ông sống có trước có sau nên ai có tính kênh kiệu, ỷ lại là ông ghét lắm. Biết điều đó, tôi luôn tránh xa những tính nết xấu để ông vui lòng. Ông luôn quan tâm đến việc học hành của con cháu, thể nào mỗi lần tôi khoe điểm mười tươi roi rói là ông lại tặng tôi một cái hôn đầy tình cảm yêu quý.
 
Thời gian cứ trôi đi, tôi lưu luyến chia tay ông mà lòng còn vấn vương nơi quê hương, có tình cảm trìu mến của ông nồng nàn, tha thiết.

Leave a Comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Scroll to Top