Trang chủ » Bài văn Phân tích cảm nhận về 2 câu cuối bài qua đèo ngang lớp 7 hay nhất

Bài văn Phân tích cảm nhận về 2 câu cuối bài qua đèo ngang lớp 7 hay nhất

Bài làm 1
 
Trong văn học trung đại Việt Nam, bên cạnh một “Bà chúa thơ Nôm” Hồ Xuân Hương mạnh mẽ, sắc sảo, đầy cá tính là một Bà Huyện Thanh Quan với những điệu buồn trang nhã, nhẹ nhàng, man mác mà da diết, thấm sâu.
 
 Với một số lượng ít ỏi tác phẩm còn lại đến ngày nay nhưng thơ Bà Huyện có sức ám ảnh, day dứt tâm can con người. Cùng với Chiều hôm nhớ nhà, Thăng Long thành hoài cổ,… bài thơ Qua Đèo Ngang xứng đáng được xem như một tác phẩm cổ điển của văn học nước nhà. Sau khi cảm nhận toàn bộ tác phẩm, có thể thấy rằng hai câu kết là hai câu thơ hay nhất trong bài. Nhà thơ Tế Hanh đã có một nhận xét rất hay: “Hai câu thơ này vừa kết thúc bài thơ lại vừa mở ra một chân trời cảm xúc mới”.
 
"Bước tới Đèo Ngang bóng xế tà
 Cỏ cây chen đá, lá chen hoa
 Lom khom dưới núi tiều vài chú
 Lác đác bên sông chợ mấy nhà
 Nhớ nước đau lòng con quốc quốc
 Thương nhà mỏi miệng cái gia gia
 Dừng chân đứng lại: trời, non, nước
 Một mảnh tình riêng ta với ta".
 
Bai thơ ra đời vào thời gian Bà Huyện Thanh Quan lên đường vào kinh đô Phú Xuân theo lệnh của vua Nguyễn. Phải rời thành Thăng Long quê hương lòng bà buồn khôn xiết. Huống hồ, chuyến đi ấy lại đi qua Đèo Ngang – con đèo nổi tiếng trong lịch sử, từng là nơi chia cắt đất nước ta thành Đàng Trong – Đàng Ngoài vào thế kỉ XVI.
 
Bài thơ mở ra bằng không gian buổi chiều sâu lắng: "Bước tới Đèo Ngang bóng xế tà" Không gian chiều thường gợi buồn gợi nhớ. Chiều trong ca dao cũng thường trở đi trở lại với vẻ buồn, nó đồng điệu và bởi thế dễ để người ta giãi bày tâm sự, thổ lộ tâm tư:
 
“Chiều chiều ra đứng ngõ sau
Trông về quê mẹ ruột đau chín chiều” 
 
Qua Đèo Ngang có cảnh chiều tà hoang vắng và một nỗi buồn thầm lặng, cô đơn. Hai câu đề mở ra cánh chiều nơi đèo cao heo hút, hoang sơ:
 
Bước tới Đèo Ngang, bóng xế tà.
Cỏ cày chen lá, đá chen hoa
 
Dừng chân trên đèo khi bóng chiều đã xế, cảnh tượng cây cỏ um tùm gợi một cảm giác ngao ngán, cái buồn đã bắt đầu xâm lấn vào hồn. Điệp từ “chen" ở câu thứ hai cực tả được cái hoang dại, rậm rạp choáng ngợp không gian. Tiếp đến, hai câu thực, với cái nhìn ở tầm xa, từ bên trên mà quan sát, khung cảnh chợt khiến ta bâng khuâng, nao nao buồn:
 
Lom khom dưới núi, tiều vài chú,
Lác đác bên sông, chợ mấy nhà.
 
Từ “lom khom’’ chỉ dáng người tiều phu nhặt củi, nó gợi sự vất vả, nỗi nhọc nhằn phải luôn ở tư thế khom lưng góp nhặt. Từ “lác đác" lại chỉ sự thưa thớt, ít ỏi. Hai từ láy này được đặt lên đầu câu theo phép đảo ngữ cùng với phép đối: Lom khom / Lác dác, dưới núi / bên sông, tiều vài chú /chợ mấy nhà và nhất là hai từ vài và mấy, chúng gợi vẻ lam lũ của con người, thưa vắng, heo hút, buồn tẻ của sự sống. Hai câu luận tiếp theo tác giả hé lộ những nỗi niềm:
 
"Nhớ nước đau lòng con quốc quốc 
Thương nhà mỏi miệng cái gia gia ".
 
Tiếng chim quốc quốc vẳng kêu nghe sao mà da diết, khắc khoải buồn thương. Chuyện xưa kể rằng vua nước Thục sau khi bị mất nước đã biến thành chim quốc quốc để hàng năm cứ vào khoảng cuối xuân đầu hè lại cất tiếng gọi hồn nước cứ nghe ai oán lòng người. Hai câu thơ này đối rất chỉnh: Nhớ nước – Thương nhà. đau lòng – mỏi miệng, con quốc quốc – cái gia gia. Tác giả đã chơi chữ rất khéo, theo nghĩa từ Hán Việt thì quốc có nghĩa là nước, gia có nghĩa là nhà. Theo đó, câu thơ có sự tương ứng hòa hợp về nghĩa Đèo Ngang vốn là ranh giới giữa Đàng Trong và Đàng Ngoài. Bà Huyện sinh vào thời Nguyễn, chồng bà làm quan thời Nguyễn nhưng vốn gốc người Thăng Long Bắc Hà nên lưu luyến triều xưa (nhà Lê) cũng là điều dễ hiểu. Hơn thế, trong lòng người thiếu phụ xa quê, không biết ngày nào trở lại, nỗi nhớ nhà cũng là điều canh cánh. Theo mạch cảm xúc đó, hai câu thơ cuối dù khép lại bài thơ nhưng lại mở ra một chân trời cảm xúc mới:
 
Dừng chân đứng lại: trời, non, nước.
Một mảnh tình riêng, ta với ta.
 
Tả cảnh ngụ tình là thủ pháp hay được sử dụng trong thơ cổ. Bài thơ này cũng đã cho ta thấy một nghệ thuật tả cánh ngụ tình đặc sắc, điêu luyện. Cảnh gợi buồn (bóng xế tà, tiểu vài chú, chợ mấy nhà,…), có âm thanh nhưng chỉ càng thêm hoang vắng, khắc khoải, lòng người lại bâng khuâng hoài niệm… tình và cảnh đan quyện vào nhau trong một điệu buồn hoang vắng, cô đơn. Nhưng phải đến nhưng câu kết cái buồn xuyên suốt bài thơ mới bật ra thanh những tiếng cảm than, mang nặng nỗi u hoài không có ai chia sẻ. Một nhịp chân đứng lại để đôi mắt bao quát cảnh Đèo Ngang. Nhưng càng nhìn chỉ càng thấy rợn ngợp bởi trước mắt chỉ mênh mông: "Trời, non, nước". Thiên nhiên vũ trụ bao la rộng lớn, không tấm lòng, không làm hồn chia sẻ. Một mảnh tình mong manh, riêng chiếc giữa hư vô càng khiến ta cảm nhận sâu sắc cái cô độc hiện hữu, thấm thía đến tận đáy lòng 'Ta" với “ta”, mình lại đối diện với chính mình, xúc cảm buồn đến đây đã mang một chiều sâu mới. Trong chiều muộn, giữa không gian mênh mông, chỉ mình ta hiểu ta, cảnh có buồn song không thể sẻ chia được nỗi niềm, cô đơn lại càng cô đơn, một sắc thái cô đơn mang đậm phong vị cổ điển.
 
Hai câu cuối kết lại bài thơ, bao quát lại cảnh vật nhưng lại mở ra một cõi lòng mênh mang, sâu lắng, ở đó có một tâm hồn đơn độc đang trĩu nặng ưu tư về tình đời, tình người. Vẻ đẹp của Qua Đèo Ngang là nét buồn trang nhã toát lên từ cảnh sắc thiên nhiên và của chính tâm hồn con người. Những cảm xúc đẹp đó mà chúng ta được thưởng thức chỉ có thể được nảy sinh từ một tâm hồn tao nhã với một tình yêu quê hương đất nước nặng sâu.
 
Bài làm 2
 
Hai câu thơ cuối cùng trong bài thơ “Qua Đèo Ngang" của Bà Huyện Thanh Quan gợi cho người đọc một nỗi buồn vô hạn. Trên cuộc hành trình dài đặc từ Thăng Long vào xứ Huế, sau bao vất vả, mệt nhọc, dừng chân đứng lại chốn đèo Ngang nữ sĩ đối diện với cái bao la, bất diệt của vũ trụ: "trời, non, nước".
 
Trời thì xa, non thì cao mà nước thì sâu thăm thẳm. "Dừng chân đứng lại" để một lần nữa bao quát lại cảnh vật quanh mình. Dừng chân đứng lại để hỏi xem đâu người tri âm, tri kỉ. Vậy mà Bà Huyện Thanh Quan chỉ nhận lại được từ thẳm sâu vũ trụ cái rộng lớn, bát ngát của "trời, non, nước". Vậy thì giờ đây, giữa đất trời chốn đèo Ngang này chỉ còn có "Một mảnh tình riêng, ta với ta". “Một mảnh tình riêng” ấy là nỗi buồn người xa xứ, là tâm sự về nỗi đau chia cắt đất nước những ngày xưa, là nỗi buồn thương cho cảnh đất nước hiện tại hay chính là cảnh đìu hiu vắng vẻ nghèo khổ chốn đèo Ngang này vậy.
 
Cụm từ “ta với ta” ngân lên như đập vào vách núi rồi vọng lại trong niềm xót xa. buồn tủi “Ta với ta” là chỉ một mình mình với một mình mình. Một tấm tình cô đơn không ai chia sẻ.
 
Bài làm 3
 
Bài thơ Qua Đèo Ngang của Bà Huyện Thanh Quan thể hiện tâm trạng nỗi niềm của nhà thơ khi đứng trước cảnh đẹp. Đặc biệt hai câu cuối của bài thơ gợi cho người đọc một nỗi buỗn, cô đơn đến não nề.
 
“Dừng chân đứng lại: trời, non, nước
 
Một mảnh tình riêng, ta với ta”.
 
Bài thơ được ra đời trong một chuyến hành trình của nhà thơ từ Thăng Long vào xứ Huế. Trải qua một cuộc hành trình đầy gian khổ, sau bao vất vả, mệt nhọc, khi tới một nơi có cảnh đẹp, núi non hùng vĩ, nhà thơ đã dừng chân đứng lại chốn đèo Ngang này để nghỉ chân. Lúc này người và cảnh đã hòa làm một, cảnh cũng trở nên buồn theo tâm trạng nhà thơ, nhà thơ cũng nhìn cảnh để thể hiện tâm trạng của mình. Trước mắt nữ sĩ là cảnh đất trời bao la, bất diệt của vũ trụ: “trời, non, nước”. Trời thì xa, núi thì cao mà nước thì sâu thăm thẳm. “Dừng chân đứng lại” để một lần nữa bao quát lại cảnh vật quanh mình. Dừng chân đứng lại để hỏi xem đâu người tri âm, tri kỉ. Vậy mà Bà Huyện Thanh Quan chỉ nhận lại được từ thẳm sâu vũ trụ cái rộng lớn, bát ngát của “trời, non, nước”. Vậy thì giờ đây, giữa đất trời chốn đèo Ngang này chỉ còn có “Một mảnh tình riêng, ta với ta”. “Một mảnh tình riêng” ấy là nỗi buồn người xa xứ, là tâm sự về nỗi đau chia cắt đất nước những ngày xưa, là nỗi buồn thương cho cảnh đất nước hiện tại hay chính là cảnh đìu hiu vắng vẻ nghèo khó chốn đèo Ngang này vậy. Cụm từ “ta với ta” ngân lên như đập vào vách núi rồi vọng lại trong niềm xót xa, buồn tủi. “Ta với ta” là chỉ một mình mình với một mình mình. Một tấm tình cô đơn không ai chia sẻ. Còn gì buồn hơn khi đứng trước cảnh thiên nhiên bao la rộng lớn như vậy, con người trở nên nhỏ bé, khi ấy rất cần có sự chia sẻ, cảm thông để vơi đi sự cô đơn, nhưng tác giả chỉ nhận thấy ta với ta, túc là chỉ có ta với cảnh vật hoang vu này.

Leave a Comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Scroll to Top