Bài làm 1
Đọc bài thơ, ta không chỉ cảm nhận được một tình bạn chân thành, sâu sắc mà còn thấy hiện lên một Nguyễn Khuyến hóm hĩnh, lạc quan.
“Đã bấy lâu nay, bác tới nhà
Trẻ thời đi vắng, chợ thời xa
Ao sâu nước cả, khôn chài cớ,
Vườn rộng rào thưa, khó đuổi gà
Cải chửa ra cây, cà mới nụ,
Bầu vừa rụng rốn, mướp đương hoa.
Đầu trò tiếp khách, trầu không có,
Bác đến chơi đây, ta với ta”.
Bài thơ lập ý bằng cách dựng lên tình huống không có gì để tiếp bạn, nhưng vẫn thể hiện được tình bạn đậm đà thắm thiết.
Câu thơ đầu tiên gợi ra một hoàn cảnh rất đáng vui mừng: Đã bấy lâu nay, bác tới nhà. Nguyễn Khuyến đã lui về quy ẩn, trong cái thời đại nhiễu nhương “Còn tiền còn bạc còn đệ tử / Hết cơm hết rượu hết ông tôi” thì việc có một người bạn quý đã lâu ngày “đã bấy lâu nay” đến nhà chơi thì thật đáng quý xiết bao. Và trong hoàn cảnh ấy, đáng ra, Nguyễn Khuyến phải tiếp đãi bạn thật chu đáo và thịnh soạn.
Nhưng oái oăm thay, trong sáu câu kế tiếp, nhà thơ lại vẽ ra một hoàn cảnh rất đặc biệt để tạo ra sự đùa vui: Có sẵn mọi thứ nhưng hoá ra lại không có thứ gì. Vật chất đều đầy đủ cả nhưng lại cứ giảm đi, đến chỗ không còn một chút gì hết: chợ thì có đấy nhưng người sai vặt thì không có, gà vịt cũng nhiều nhưng hiềm nỗi vườn rộng rào thưa không bắt được, rau dưa đủ quả nhưng tiếc nỗi chưa đến mùa!…
“Trẻ thời đi vắng, chợ thời xa
Ao sâu nước cả, khôn chài cá
Vườn rộng rào thưa, khó đuổi gà
Cải chửa ra cây, cà mới nụ
Bầu vừa rụng rốn, mướp đương hoa”.
Nguyễn Khuyến đã viết về gia cảnh khó khăn của mình với một giọng thơ đùa vui, hóm hỉnh. Người đọc vừa mỉm cười lại vừa băn khoăn, thương cảm: Khi lui về quy ẩn, Tam Nguyên Yên Đổ thực sống kham khổ như vậy sao? Và cái “bí” của nhà chủ lên đến đỉnh điểm khi “miếng trầu là đầu câu chuyện” lúc tiếp khách cũng không có nốt: “Đầu trò tiếp khách trầu không có”. Không, như vậy thì sự thực nhà thơ sống trong nhưng năm tháng quy ẩn không đến độ khó khăn, bức bách như thế.
Có lẽ đây chỉ là những cái đùa vui, cái cớ để nói đến một điều gì bất ngờ khác. Bao nhiêu vật chất không có, ngay cả đến vật chất tối thiểu cũng không vì vậy tiếp bạn chỉ còn có mỗi cái tình. Tạo ra tình huống như vậy, vừa đùa vui, vừa nói lên sự mong ước tiếp đãi chu đáo cả vật chất lẫn tinh thần, lại vừa nhấn mạnh được cái tình. Chỉ một sự chân tình có thế đủ bù đắp những thiếu hụt vật chất:
"Bác đến chơi đây, ta với ta!"
Câu thứ cuối cùng và cụm từ “ta với ta” nhấn mạnh tình cảm tri âm không cần phải vật chất đầy đủ mà chỉ cần cái tình chân thực thôi. Những người tri âm, tri kỉ có khi chỉ cần gặp nhau ngâm mấy câu thơ, đàn vài bản nhạc là đã đủ vui rồi. Tình cảm không cứ nhất thiết phải có đầy đủ vật chất mới vui là như vậy.
Trong bài thơ “Qua Đèo Ngang”, Bà Huyện Thanh Quan cùng nhắc đến một cụm từ “ta với ta” nhưng “ta với ta” của bà là chỉ một mình tác giả với mảnh tình riêng đầy cô đơn, trống vắng. Trong bài thơ của Nguyễn Khuyến thì ngược lại, thi nhân dùng cụm từ này để chỉ bản thân và người bạn tri âm, tri kỉ. Cái “ta với ta” của Nguyễn Khuyến ấm áp và vui vầy biết bao.
Qua cách ứng xử của nhà thơ, có thể nhận thấy, với bạn, Nguyễn Khuyến rất quan tâm đến bạn, muốn tiếp bạn thật là chu đáo. Đồng thời, chúng ta cũng thấy, trong tình bạn, Nguyễn Khuyến rất coi trọng cái tình, coi trọng sự cung kính trong tình bạn.
Ngôn ngữ được sử dụng trong bài thơ Bạn đến chơi nhà mang tính chất dân dã đời thường, với hầu hết là các từ thuần Việt. Cái độc đáo nhất của bài thơ là tạo nên nghịch cảnh có rất nhiều mà lại chẳng có gì nhưng thực ra là có tất cả!
Bài thơ “Bạn đến chơi nhà” của Nguyễn Khuyến gieo vào lòng người đọc một thoáng mỉm cười trước sự đùa vui hóm hỉnh của thi nhân. Nhưng lắng đọng lại sau cùng là niềm xúc động vô bờ về một tình bạn thân thành, sâu sắc vượt lên cả những vật chất và những cung cách ứng xử thông thường..
Bài làm 2
Tình bạn là một tình cảm rất đỗi thiêng liêng và cao quý. Đề tài này gây cảm hứng cho các nhà văn, nhà thơ sáng tác ra những bài thơ xuất sắc. Một trong những tuyệt tác đó chính là bài bài thơ “Bạn đến chơi nhà” của Nguyễn Khuyến được xưng tụng là Tam Nguyên Yên Đổ. Những vần thơ trữ tình, dí dỏm dã tự động len vào lòng người đọc, người nghe về một tình bạn đậm đà, thắm thiết, không cần những vật chất tầm thường mà vẫn gắn bó keo sơn. Tình bạn tri kỉ đó đã được mọi người truyền từ đời này sang đời khác qua nguyên văn của cụ Nguyễn Khuyến như sau:
“Đã bấy lâu nay, bác tới nhà,
Trễ thời đi vắng, chợ thời xa.
Ao sâu nước cả, khôn chài cá,
Vườn rộng rào thưa, khó đuổi gà.
Cải chửa ra cây, cà mới nụ,
Bầu vừa rụng rốn, mướp đương hoa.
Đầu trò tiếp khách, trầu không có,
Bác đến chơi đây, ta với ta”
Bài thơ mở đầu thật sinh động và hàm súc bằng hình ảnh như sau: “Đã bấy lâu nay, bác tới nhà”
Đọc câu thơ trên, em cảm nhận được tình cảm của tác giả chất chứa trong từng câu chữ, thể hiện được tình cảm thâm giao sâu sắc khi người bạn đến thăm trong hoàn cảnh nhà thơ cáo quan về ở ẩn tại thôn quê mà từ lâu lắm rồi tình đời bạc bẽo hầu như không ai ngó ngàng tới. Để đáp lại tấm chân tình của người bạn, tác giả đã gọi “bác”. Đại từ “bác” chỉ được sử dụng khi gọi một người mà mình rất mực yêu quý như người thân trong gia đình. Cũng giống như người dân Việt Nam đã gọi vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc bằng “Bác Hồ” thể hiện sự kính trọng, lòng yêu thương Bác như một bậc bề trên trong gia đình.
Và khi một người bạn thân như ruột thịt đến nhà chơi, chắc chắn phải được tiếp đón thật nồng hậu. Nhưng mọi việc không phải lúc nào cũng như ý ta muốn:
“Trẻ thời đi vắng, chợ thời xa.
Ao sâu nước cả, khôn chài cá.”
Ở nông thôn, muốn đãi bạn bằng những món ăn ngon nhất thì phải đi ra chợ, ra phố. Nhưng ngặt một nỗi ngay vào lúc đó, vợ con, người hầu đều di vắng thì làm sao sai bảo ai ra đứợc. Món ăn ngon ngoài chợ không có, thôi thì đành tìm món ăn ngon nhất ở quanh nhà vậy. À, thì ra đây rồi! Có món cá đặc sản của miền quê: món cá. Niềm vui chưa kịp bùng lên thì đã tắt vi nhìn ra ao thì hỡi ôi: ao quá sâu trong khi đó nước lại đương lớn, đương dâng cao mà đối với một người tuổi già sức yếu thì đành chịu thua.
Không có món ăn ngon thì đành đãi bạn bằng những món tàm tạm vậy:
“Vườn rộng rào thưa, khó đuổi gà.
Cải chửa ra cây, cà mới nụ”
Món cá thịt thường đi dôi với nhau. Không có cá thì nghĩ đến thịt. Nhưng thật tiếc vì vườn thì rộng, còn rào thì thưa: làm sao đuổi bắt được gà để làm món ăn đây. Thịt cá không có thì đành làm tạm một bữa ăn dưa cà thanh đạm vậy. Nhưng khi nhìn ra vườn rau thì nỗi thất vọng hiện lên vì cải chỉ mới lú nhú chưa mọc ra cây, còn cà thì không thấy bóng dáng đâu mà chỉ toàn là nụ.
Để cứu vãn tình thế, chúng ta thử nghĩ xem nhà thơ sẽ nghĩ đến món gì để đãi bạn?
“Bầu vừa rụng rốn, mướp đương hoa.
Đầu trò tiếp khách, trầu không có.”
Đến lúc này, người đọc thấy được nét bối rối hiện rõ trên nét mặt của tác giả. Những món ăn ngoài chợ, ngoài vườn đều không có thì đành cầu cứu đến giàn mướp, giàn bầu ngay trước cửa nhà. Nhưng oái oăm thay khi không thấy một trái bầu nào cả, còn tìm đến trái mướp cũng như không vì chỉ nhìn thấy toàn là hoa. Cuối cùng đành phải bước vào nhà tiếp bạn bằng khay trầu để trên bàn theo tục lệ thông thường nhất ngày xưa “miếng trầu là đầu câu chuyện”. Vậy mà không hiểu sao hôm nay khay trầu dùng để tiếp khách ở trên bàn lại biến đâu mất. Thế là đến món đãi khách bình thường nhất cũng không có. Mà đâu phải khách tầm thường, đây là người bạn thân quý mến nhất, dáng trân trọng nhất. Thật là khó xử!
Trong tình thế như vậy, nhà thơ sẽ xử sự ra sao?
“Bác đến chơi đây, ta với ta.”
Câu thơ cuối cùng bỗng bừng sáng, bỗng oà lên niềm vui sau bao nỗi buồn vì không có gì để tiếp bạn hiền. Bác đến chơi dây chỉ còn có “ta với ta” mà thôi: nhà thơ và bạn hiền tuy hai người nhưng chỉ là một, chung một tấm lòng, một tình bạn chân thật. Và diều này mới là cao quý nhất trên đời hơn hẳn những vật chất tầm thường. Ớ dây em thấy được nhà thơ đã gửi vào tác phẩm của mình một điều mới mẻ: với bố cục sáng tạo (1-6-1) phá luật thể thơ thất ngôn bát cú Đường luật, nhà thơ đã khéo léo lồng ghép tình huống vào từng câu thơ làm cho mọi người cảm xúc theo từng nỗi băn khoăn, khó xử khi không có gì để tiếp đãi bạn để rồi cuối cùng nêu lên một câu kết hóm hỉnh chứa đựng tình bạn đậm đà, thắm thiết, gây bất ngờ cho người đọc, người nghe. Thật là xuất chúng! Thế mới là Tam Nguyên Yên Đổ!
Nếu ai đã từng đọc qua bài thơ Bạn đến chơi nhà của cụ Nguyễn Khuyến thì nhất định sẽ hiểu được tình bạn là thiêng liêng, cao quý đến nhường nào! Em cũng vậy: càng thấm thìa được cái hồn trong tác phẩm, em càng muốn có được một tình bạn chân thành như cụ Nguyện Khuyên. Để thực hiện được điều này thì ngay bây giờ em càng phải trau dồi bản thân, hoàn thiện mình và nhất là đối xử tốt với mọi người chung quanh, với những người bạn tốt của mình.
Bài làm 3
Tình bạn là một trong số đề tài có truyền thống lâu đời trong lịch sử văn học Việt Nam. Bạn đến chơi nhà là một bài thơ thuộc loại hay nhất trong đề tài tình bạn và cũng thuộc loại hay nhất trong thơ Nguyễn Khuyến nói riêng, thơ Nôm Đường luật nói chung. Đã bấy lâu nay bác tới nhà, Trẻ thời đi vắng, chợ thời xa. Ao sâu nước cả, khôn chài cá, Vườn rộng rào thưa, khó đuổi gà. Cải chửa ra cây, cà mới nụ, Bầu vừa rụng rốn, mướp đương hoa. Đầu trò tiếp khách, trầu không có, Bác đến chơi đây, ta với ta ! Cũng giống như Bà Huyện Thanh Quan viết Qua Đèo Ngang, Nguyễn Khuyến sáng tác bài thơ Bạn đến chơi nhà theo thể thất ngôn bát cú Đường luật với sự phối hợp thanh điệu, vần điệu, bổ cục, đối xứng, số tiếng, số câu rất hài hoà. Đây cũng là bài thơ viết bằng chữ Nôm, dùng từ ngữ thuần Việt giản dị, dân dã mà rất đỗi trong sáng, thanh cao. Trong và thanh hơn cả là một tấm lòng chân thành đôi với bạn. Nhà thơ như muốn nói với bạn và với tất cả chúng ta rằng : Tình bạn, tình người cao hơn của cải.
Câu thơ mở đầu như một tiếng reo vui : Đã bấy lâu nay, bác tới nhà Cụm từ bấy lâu nay chứng tỏ người bạn của nhà thơ từ lâu rồi chưa đến thăm nhà thơ. Và cũng chứng tỏ việc hôm nay bác tới nhà thật là quý báu, rất đáng mừng, đáng vui, đáng… mở tiệc đãi bạn để thoả lòng mong nhớ, thoả tình nghĩa cố nhân. Lời thơ tự nhiên, như lời nói thường mà vẫn toát lên tình cảm mừng vui chân thành của một người bạn. Sáu câu tiếp theo, từ câu 2 đến câu 7, thơ chuyển giọng, từ giọng vui sang giọng kể và miêu tả. Nhà thơ kể về gia cảnh của mình: vợ con đi vắng, chợ ở xa, ao sâu không đánh được cá, vườn rộng, không bắt được gà, rau cải quá non, cây cà mới nhú nụ, giàn bầu, giàn mướp cũng chỉ nụ với hoa… Tất cả đểu thiếu vắng, trống trơn không có thứ gì gọi là… "để đãi bạn". Thậm chí miếng trầu để vào chuyện theo tập quán quê hương "Miếng trầu là đầu câu chuyện" cũng không có nốt. Lời thơ cứ nhỏ nhẹ, chân chất, thật thà mà hóm hỉnh, vừa như để thanh minh với bạn, vừa để giới thiệu cảnh sống thanh bần của gia đình mình. Nếu chú ý giọng điệu thơ và cách dùng từ ngữ của Nguyễn Khuyến, ta sẽ thấy, đằng sau cái nghèo thiếu, hiện hữu như vẫn ẩn chứa, hứa hẹn một cuộc sống giàu có, phong lưu. Ngắm lại cửa nhà của cụ Tam Nguyên ấy, ta thấy, cụ đâu có cô độc, nhà đâu có quá heo hút. Cụ vẫn có vợ con, trẻ già, gia đình vẫn có thể đi chợ mua bán. Nhà vẫn có ao sâu nuôi cá, lại có vườn rộng nuôi gà, nhà gieo được cải, trồng được cà, có giàn bầu, giàn mướp,… Tất cả đang sẵn sàng, thịt cá không thiếu, rau quả đang non tơ mơn mởn. Có điều – bác ơi, đúng dịp bác đến thì… gia cảnh nhà tôi chẳng có gì gọi là xứng đáng để đãi bác ! Đằng sau những câu thơ kể thực, tả thực kia như thầm thì những tiếng thanh minh, hóm hỉnh vui đùa của Nguyễn Khuyến. Nói khác đi, nhà thơ đã nói rất khéo léo, rất sang trọng về sự nghèo thiếu của mình. Trong nghèo thiếu, con người không bi quan, than thớ, trái lại vẫn bình thản để giãi bày, tìm sự cảm thông, chia sẻ. Do đó, đến câu kết của bài thơ, âm điệu và ngôn từ bỗng thay đổi, thân mật và ngọt ngào: Bác đến chơi đây, ta với ta! Bao nhiêu nghèo thiếu, bao nhiêu lúng túng, ngượng ngùng bỗng tan đi hết, để cho tình bạn, tình người thăng hoa. Mọi của cải vật chất đều khồng còn ý nghĩa gì nữa. "Bác đến chơi đây, ta với ta" là đủ, là điểu mà tôi cần nhất, tôi khát khao, trông chờ nhất. Cụm từ ta với ta trong bài thơ này của Nguyễn Khuyến gợi nhớ đến cụm từ ta với tư trong bài Qua Đèo Ngang của Bà Huyện Thanh Quan, về ngôn ngữ, hai cụm từ đó hoàn toàn giống nhau. Nhưng về ý nghĩa thì chúng rất khác nhau. Đại từ ta trong thơ Thanh Quan dùng để nói chính nhà thơ, nói về một "cái tôi" riêng lẻ thầm kín buồn lặng, cỏ đơn. Hai chữ ta nhưng chỉ là một nghĩa. Còn ta trong thơ Nguyễn Khuyến là nói về hai người, nhà thơ và bạn. Nói về hai murời bằng một âm của một đại từ nhân xưng như thế, cụ Yên Đổ đã ca ngợi một tình bạn gắn bó, thân mật tường không thể tách rời, chia đôi. Thêm nữa, cụm từ ta với ta gắn với mấy tiếng trước Bác đến chơi đây và đặt sau những dòng thơ kể sự thiếu thốn vật chất bỗng như một tiếng cười xoà bật lên, thật là vui vẻ. Rõ ràng, tình bạn, tình người là quý nhất, cao hơn của cải, vật chất. Kết cấu thơ và cách dung từ, chơi chữ của nhà thơ đất Hà Nam thật tài hoa. Tóm lại, bài thơ được tạo ý bằng cách dựng lên một hoàn cảnh không có gì khi bạn đến chơi, để rồi hạ một câu kết: "Bác đến chơi đây ta với ta", nghe như một tiếng cười xoà, mà từ dó ấm lên một tình bạn đậm đà, hồn nhiên, dân dã, bất chấp mọi điều kiện. Từ tình bạn, bài thơ còn ẩn chứa một triết lí sâu xa: Tinh người cao hơn của cải. Lời thơ thuần Việt, giản dị, trong sáng và thật là nhuần nhi, dễ hiểu và dễ thuộc.