Trang chủ » Bài văn tả cảnh hồ tây lớp 6 hay nhất

Bài văn tả cảnh hồ tây lớp 6 hay nhất

Bài làm 1
 
Gió đưa cành trúc la đà
Tiếng chuông Trấn Vũ, canh gà Thọ Xương
Mịt mù khói toả ngàn sương
Nhịp chày Yên Thái, mặt gương Tây Hồ.
Đó là bài ca dao ngợi ca vẻ đẹp của Hồ Tây, Hà Nội. Chắc ai đến Hà Nội đều đã du ngoạn cảnh Hồ Tây! Đó là một cảnh đẹp làm tôi vô cùng yêu thích cũng như bao du khách đến đây.
Có thể gọi Hồ Tây là một bức hoạ tuyệt vời với bao truyền thuyết thời xa xưa. Ở nơi này có một cái gì đó mà sao thiêng liêng, cổ kính và dệt nên phong cảnh hữu tình đến như vậy? Lòng người dạo cảnh khẽ xốn xang với những gì đã đi vào thời huyền sử xa xưa ghi lại bằng trang sử hào hùng của dân tộc ta. Đất nước ta tươi đẹp lắm mà cũng nên thơ lắm. Mỗi nơi là một cảnh đẹp, như Hồ Tây chẳng hạn. Đền Quan Thánh ở phía Bắc có vị thần oai dũng trấn giữ.
Có đến mới biết Tây Hồ bao gồm một loạt đền miếu, chùa chiền với lối kiến trúc thời vua chúa, hoàng gia nên rất độc đáo, có sắc thái nghệ thuật phong phú. Chẳng phải thế mà ai đến đây cũng bị lôi cuốn bởi vẻ hấp dẫn làm xao động lòng người, gieo lại trong họ bao ấn tượng sâu đậm về một Tây Hồ như vậy. Cứ đi dọc theo bờ hồ mặt dường Thanh Niên, nếu là vào hè thì sẽ thấy một màu tím ngắt của hoa bằng lăng làm dịu đi cái nắng gắt của thần Mặt trời. Chùa xưa có tên là chùa Khai Quốc từ thời vua Lí Nam Đế, tức là chùa mở nước, nay gọi là chùa Trấn Quốc. Mọi người đến Tây Hồ không chỉ để ngắm cảnh mà còn đến với tấm lòng thành kính. Nếu để ý, ta sẽ thấy ở mỗi gốc cây trong chùa đều có vài nén hương của du khách như tỏ lòng thành. Hồ Trúc Bạch nước êm đềm. Hàng liễu rủ thướt tha. Cây cối um tùm, tươi tốt, che rợp bóng. Lại thêm mấy gốc si già, gốc đa cổ kính rêu phong như từng chứng kiến huyền thoại dệt nên truyền thuyết về kinh đô Thăng Long – Hà Nội ngàn năm văn hiến. Tiếp đến là đình Yên Phụ. Mái tam quan cũng cách chẳng bao xa. Mái chùa cong, rêu phong phủ kín, còn ẩm hơi sương đêm.
Thế mới biết, mọi người nói chẳng sai chút nào. Hồ Tây quả là đẹp thật! Và vẽ cảnh quan Tây Hồ sẽ đẹp đến mức nào? Hẳn là sẽ tuyệt vời lắm. Đi theo bờ hồ, ta gặp nhiều đình, chùa nữa như là chùa Bà Đanh, chùa Thiên Niên… Đó vẫn còn là những nét cuốn hút du khách thập phương về.
Tôi mới đến Hồ Tây một lần thôi nhưng vẻ đẹp đã để lại trong tôi một cảm xúc khó quên. Nhiều người còn bảo Hồ Tây thực là “danh bất hư truyền”. Sao nghe mà hay đến vậy, chân thành đến vậy. Năm tháng sẽ qua đi nhưng Hồ Tây sẽ vẫn còn in đậm trong lòng người Hà Nội nói riêng và bao du khách khắp nơi nói chung.
 
Bài làm 2
 
Hồ Tây nằm ở phía Tây Bắc nội thành Hà Nội với diện tích khoảng 500ha, đường vòng quanh hồ dài gần 20km. Ngành địa dư lịch sử đã chứng minh rằng, hồ là một đoạn sông Hồng rớt lại, sau khi đổi dòng, có thể tới cả hàng nghìn năm.
 
Hồ Tây hay còn gọi là hồ Mù Sương (Dâm Ðàm), hồ Trâu Vàng (Kim Ngưu hồ), đầm Xác Cáo. Mỗi tên lưu giữa một sự tích về nguồn cội của Hồ Tây huyền thoại.
 
Một du khách người Pháp có tên Michel kể rằng đây là lần thứ tư anh tới Hà Nội, nhưng đã bao nhiêu lần có mặt ở Hồ Tây rồi, chính anh cũng không thể nhớ nổi bởi Hồ Tây với anh đẹp và duyên dáng đến nao lòng.
 
Hồ Tây là góc lãng mạn nhất trong bức tranh Hà Nội đa màu; là thế giới của những làn gió trong trẻo, sự phóng khoáng và giàu chất thơ. Chẳng thế mà bấy lâu nó vẫn là nguồn cảm hứng bất tận của các nhà thơ, nhà văn, nghệ sĩ… với nhiều bài hát, bài thơ viết về Hồ Tây, viết ở hồ Tây làm nao lòng người.
 
Hồ Tây đẹp không chỉ bởi mặt nước xanh mênh mông, không chỉ có sắc tím bằng lăng, cánh hoa phượng hồng đỏ mỗi độ hè về, cái buồn man mác của không gian, của rặng liễu rủ những chiều đông, cái lung linh của ban mai tinh khiết… mà Hồ Tây còn đẹp bởi nó như một trái tim ôm trọn trong mình những trạng thái buồn vui của biết bao con người.
 
Mỗi sáng tinh mơ, hàng trăm người, cả già lẫn trẻ tìm ra chốn này để hít hà không khí trong lành và tập thể dục. Ðầu dốc đường Thanh Niên là cửa ngõ của những chiếc xe đạp chở đầy hoa, những gánh hàng ăn dân dã "chảy" vào lòng Hà Nội.
 
Hồ Tây trở thành điểm hẹn, để người ta tìm đến như một quán tính. Ðường Thanh Niên hay còn có cái tên đường Cổ Ngư rất đẹp trước đây là ranh giới giữa Hồ Tây và hồ Trúc Bạch, từ sau buổi vãn chiều rất đông người qua lại.
 
Có người tìm cho mình một góc nào đó ở bên hồ để hóng gió, nhâm nhi ly cà phê trong một quán ven đường, thưởng thức món bánh tôm nổi tiếng, ăn một ly kem; vào những nhà hàng sang trọng nằm ở mép hồ hay giữa hồ, hoặc trên du thuyền…
 
Cũng có người chỉ thích dạo quanh hồ để hít hà không khí trong trẻo rồi lại đi đâu đó hoặc trở về nhà. Ðông nhất là những ngày cuối tuần. Dòng người đổ về Hồ Tây nhiều khi ùn tắc cả một đoạn dài đường Thanh Niên.
 
Trên boong tàu lớn nơi mặt hồ, có một đôi uyên ương đang tươi cười hạnh phúc trong ngày cưới giữa bao lời chúc phúc của người thân, bè bạn. Bên bờ, ở một ghế đá nào đó có cụ già râu tóc bạc phơ, tay cầm ba toong ngước về phía bờ Tây ngắm hoàng hôn xuống…
 
Hồ Tây không chỉ là địa chỉ du lịch lý tưởng mà nó còn chứa đựng những giá trị văn hóa dân tộc. Quanh hồ hiện có hơn 20 ngôi đình, đền, chùa đã được xếp hạng với nhiều di tích nổi tiếng với nhiều văn vật giá trị như hơn 100 bia đá, 165 câu đối, 140 hoành phi, gần 20 quả chuông cổ, 60 sắc phong thần, trên 300 pho tượng bằng đồng, gỗ, đá.
 
Nhiều ngôi chùa, đền là thế, nhưng có lẽ người Hà Nội, khách du lịch vẫn tìm đến đền Quán Thánh, chùa Trấn Quốc và phủ Tây Hồ. Người người đến đây chẳng những được thưởng thức nét đẹp kiến trúc của đền chùa cổ xưa mà còn cầu may, cầu phúc… đông nhất là vào những ngày rằm, mồng một âm lịch hàng tháng và ngày lễ, Tết.
 
Phía Tây Hồ Tây vẫn còn rất nhiều làng. Mỗi ngôi làng ở đây đều ít nhiều gắn với một địa danh, một trầm tích lịch sử. Làng Nghi Tàm, quê hương nhà thơ "Bà huyện Thanh Quan" với chùa Kim Liên có kiến trúc độc đáo. Làng Xuân Tảo với đền Sóc thờ Thánh Gióng. Làng Trích Sài có chùa Thiên Niên thờ bà tổ nghề dệt lĩnh. Làng Thụy Khê có chùa Bà Ðanh. Làng Nhật Tân với sắc thắm của hoa đào nổi tiếng. Rồi làng giấy, phường đúc đồng v.v…
 
Mặc dù, nét làng thuở nào đã khoác lên mình một diện mạo mới trong quá trình đô thị hóa với những khu nhà cao tầng, khách sạn, biệt thự mọc lên nhưng nhiều làng vẫn còn giữ được nét làng với những cổng làng, đình làng, những ngôi nhà cổ trăm năm tuổi có lẻ…
 
Hồ Tây là nơi đến thư giãn của người Hà Nội và cũng là nơi ở lý tưởng của những người nước ngoài đang sống và làm việc ở chốn Hà Thành, với hàng trăm ngôi biệt thự phía Tây. Ðộ hơn mươi năm về trước, người ta chỉ lên phía Tây Hồ Tây để vào các làng hoa, làng đào, để đi chùa, đi phủ Tây Hồ…, những năm gần đây, nhà nhà đua nhau mở quán ăn, nhiều dần rồi thành từng khu ẩm thực với phong cảnh trữ tình cho những người muốn "đổi gió" sau những giờ làm việc mệt mỏi.
 
Có người gọi Hồ Tây là mặt gương của Hà Nội. Tôi thích gọi Hồ Tây là lá phổi xanh của chốn Kinh Thành.
 
Bài làm 3
 
Gió đưa cành trúc la đà
 
Tiếng chuông Trấn Vũ, canh gà Thọ Xương
 
Mịt mù khói tỏa ngàn sương
 
Nhịp chày Yên Thái, mặt gương Tây Hồ…
 
(Ca dao)
 
Hồ Tây là hồ lớn nhất và là thắng cảnh nổi tiếng nhất ở thủ đô Hà Nội, rộng đến 500ha. Con đường vòng quanh hồ dài gần hai chục kilômét, là con đường thơ mộng, quanh năm tươi mát, thu hút khách nhàn du.
 
Thuở xa xưa, Hồ Tây chính là một đoạn của sông Hồng còn sót lại sau khi đổi dòng. Còn về tên gọi, Hồ Tây mang nhiều tên khác nhau qua nhiều thời kỳ dựa qua nhiều truyền thuyết. Theo truyện “Hồ Tinh” thì hồ mang tên đầm Xác Cáo, theo truyện “Không lộ đúc chuông” thì hồ mang tên Trâu Vàng, thời Hai Bà Trưng, hồ mang tên Lãng Bạc, có nghĩa là hồ có nhiều sóng lớn; thời Lý – Trần mang tên hồ Dâm Đàm vì mặt hồ có nhiều sương mù… Năm 1573, vua Lê Thế Tông vì kỵ huý tên mình là Duy Đàm cho nên đổi tên hồ thành Hồ Tây, đến thời Trịnh Tạc đến Tây Vương cũng vì chữ huý nên đổi tên hồ thành Đoái Hồ (Đoái cũng như Đoài, có nghĩa là phía Tây). Khi Trịnh Tạc mất thì hồ lại mang tên cũ là Hồ Tây, tức hồ nước nằm ở phía Tây kinh thành Thăng Long.
 
Năm 1620, cư dân các thôn Trúc Yên, Yên Hoa, đắp một bờ đập ngăn đôi một phần hồ gọi là “Cố Ngự Yển”, có nghĩa là đập vững chắc, về sau đọc chệch thành “Cổ Ngư”. Cổ Ngư ngày nay chính là đường Thanh Niên, đã ngăn Hồ Tây thành một cái hồ nhỏ nữa nằm ở hướng Đông Nam gọi là Hồ Trúc Bạch.
 
Các triều đại phong kiến xưa đều lấy Hồ Tây làm trung tâm vui chơi, giải trí, nghỉ mát của các vua chúa, quần thần. Trải qua nhiều triều đại phế hưng, Hồ Tây vẫn là nơi hội tụ dân cư đông đúc. Chung quanh hồ thuở xưa có đến 21 phường, nổi tiếng nhất là phường Thuỵ Khuê, Thạch Lâm, Báo Ân, Hồ Khẩu… chung quanh hồ còn xây dựng nhiều lâu đài nguy nga, tráng lệ như cung Từ Hoa, cung Dâm Đàm, cung Thuý Hoa thời Lý, điện Hàn Nguyên, cung Ngọc Đàn thời Trần. Cảnh đẹp Hồ Tây đã từng thu hút biết bao khách làng thơ… Một thi sĩ đời Vĩnh Hựu nhà Lê đã có tập thơ “Tây Hồ Bát Cảnh”. Đến thế kỷ XVIII, Thám hoa Nguyễn Quý Đức có bài “Vịnh Tây Hồ”, nhà văn đời Tây Sơn có bài phú nổi tiếng bằng chữ nôm, đó là bài “Tụng Tây Hồ phú ”, danh nho Ngô Thì Sỹ có bài “Tây Hồ phong cảnh phú ”, danh sĩ Nguyễn Văn Siêu thời nhà Nguyễn có bài “Du Tây Hồ”, Cao Bá Quát có bài “Du Tây Hồ”, “Tây Hồ ngẫu hứng”.v.v.. Mỗi nhà thơ nhìn hồ Tây mỗi người một vẻ và lúc nào cũng nhắc đến trăng và hoa, vì chung quanh hồ là những làng hoa nổi tiếng như Ngọc Hà, Hữu Tiệp, Nghi Tàm, Yên Hoa, Trích Sài, Nhật Tân, Quảng Bá… Quanh hồ Tây còn nổi tiếng những làng nghề cổ truyền như lụa Trúc Bạch, giấy dó Yên Thái, Hồ Khẩu…
 
Nhiều Di tích Lịch sử và Văn hoá nằm rải rác quanh hồ như: làng Nghi Tàm quê hương nhà thơ Bà huyện Thanh Quan, làng Nhật Tân với chùa Tào Sách, làng Xuân Đỉnh với Đền Sóc thờ bà Gióng, làng Xuân La với Chùa Thiên Niên thờ bà tổ nghề dệt lĩnh Phạm Thị Ngọc Đô – thứ phi của vua Lê Thánh Tông, làng Kẻ Bưởi với đền Đồng Cổ nơi bách quan hội thề đời nhà Lý, làng Thuỵ Khuê với chùa Bà Đanh, đền Quán Thánh chùa Trấn Quốc, phủ Tây Hồ từng nổi tiếng là thắng cảnh của Thăng Long xưa…
 
Hồ Tây rộng và trống trải nên thường có gió lốc dậy sóng. Nước hồ màu xanh pha chút nâu bởi trong hồ có nhiều động thực vật phù du. Trước đây, Hồ Tây có nhiều sen, vào mùa hạ nở hoa, đưa hương thơm lừng, nhưng nay thì không còn nhiều như xưa. Đặc sản của Hồ Tây có chim sâm cầm, vịt trời, cốc đen, chim ngói, cá chép, tôm hồng… Theo số liệu của các nhà khoa học thì Hồ Tây có tới 58 loài chim trú ngụ, nổi tiếng là chim sâm cầm và 35 loài cá ngon. Chim sâm cầm ngày nay không còn, cá chép mình đỏ, cá trắm đen, tôm hồng cũng hiếm. Du khách đến Hà Nội thường tìm đến đường Cổ Ngư thưởng thức món bánh tôm, bánh bột rán có điểm mấy con tôm hồ Tây ăn với rau sống, nước mắm ớt thì thật không sao quên được. Rồi những quán cóc bên lối vào phủ Tây Hồ như ốc luộc, ốc nấu thả, ốc hấp, bún ốc… dư vị cũng đậm đà.
 
Với bề dày lịch sử, Hồ Tây có nhiều danh lam thắng cảnh hấp dẫn, cảnh quan thiên nhiên thật tuyệt vời đã trở thành điểm tham quan du lịch lý tưởng của Thủ đô ngàn năm văn hiến.
 

Leave a Comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Scroll to Top