Trang chủ » Bài văn Tả về bà của em lớp 4 hay nhất

Bài văn Tả về bà của em lớp 4 hay nhất

Bài làm 1
 
Trong đời này, ai chẳng có một người bà. Và tôi cũng vậy, ngoài tình yêu thương mà bố mẹ dành cho, tôi còn được sống trong tình thương yêu trìu mến của bà. Vì điều kiện gia đình, tôi phải chuyển nhà, không được ở bên bà nhưng hình ảnh bà luôn khắc sâu trong trái tim tôi.
 
Bà tôi năm nay đã ngoài bảy mươi tuổi. Tóc bà trắng như những bà tiên trong các câu chuyên cổ tích. Lưng bà còng lắm rồi. Làn da nhăn nheo với nhiều chỗ có chấm đồi mồi. Bà đã hi sinh cả tuổi xuân, tần tảo, bươn chải, thức khuya dậy sớm nuôi nấng mẹ và các dì tôi. Đôi mắt bà không còn tinh tường như trước nhưng cái nhìn thì vẫn như ngày nào: trìu mến và nhân hậu. Đôi bàn tay thô ráp, chai sần bởi suốt đời lặn lội, vất vả kiếm cơm áo cho các con.
 
Ngày còn thơ bé, tôi được sống trong vòng tay yêu thương vô bờ bến của bà. Đêm nào tôi cũng chìm trong giấc ngủ êm đềm nhờ những câu chuyện cổ tích bà kể. Sáng sớm, bà gọi tôi dậy đi học. Lời gọi: "Cháu ơi, dậy đi nào, đã đến giờ đi học rồi" luôn làm tôi tỉnh táo sau giấc ngủ dài. Bà dắt tay, đưa tôi đến trường. Chờ cho cánh cổng trường khép hẳn, bà mới an tâm ra về. Chiều chiều, vẫn cái dáng đi lặng lẽ ấy, bà đưa tôi trở về nhà. Mỗi khi ở cạnh bà, tôi cảm thấy ấm áp vô cùng.
 
Có lần bị ngã, tôi đã nằm ăn vạ rất lâu. Bà ẩy con lật đật và bảo: "Con lật đật luôn biết đứng dậy sau mỗi lần vấp ngã. Cháu của bà cũng vậy, đúng không nào? Cháu được như con lật đật là bà rất vui". Nghe lời bà, tôi nín khóc và tự đứng dậy. Bà cười móm mém "Cháu ngoan lắm, lại đây bà phủi đất cho nào". Những hôm học khuya, buồn ngủ quá, tôi gục luôn xuống bàn thiếp đi. Sáng hôm sau, khi tỉnh dậy, tôi thấy mình đang đắp chăn, nằm trên giường. Trên bàn học, đèn đã tắt từ lúc nào, sách vở được sắp xếp gọn gàng, ngăn nắp. Bà đã bế tôi lên giường, xếp lại sách vở cho tôi.
 
Bà luôn chăm lo việc nhà. Mẹ tôi không muốn bà làm, sợ bà mệt nhưng bà không nghe. Tôi mong mình lớn thật nhanh để đỡ đần cho bà nhưng nhiều khi, tôi lại ước ao thời gian trôi thật chậm để tôi mãi mãi nằm trong vòng tay yêu thương của bà
 
Bà rất vui tính, thường kể cho cả nhà nghe những chuyện hài hước. Bà cũng luôn sẵn sàng giúp đỡ hàng xóm, vì vậy, ai cũng yêu quý bà. Bà yêu thương tôi nhưng không nuông chiều. Có lần, tôi không nghe lời bà. Cả tuần, bà không nói với tôi một câu nào. Sang tuần sau, bà gọi tôi vào phòng, giảng giải cho tôi biết đâu là điều hay lẽ phải. Tôi cảm thấy ăn năn, xấu hổ vì để bà buồn. Sau chuyện đó, tôi tự hứa với mình, không bao giờ được phụ công lao tình cảm của bà.
 
Bà thích chăm sóc cây cảnh, Sáng sáng, bà dậy sớm tưới cây trên sân thượng. Những chồi non, nụ hoa không phụ công chăm sóc của bà, luôn tưng bừng khoe sắc thắm. Những lúc rảnh rỗi, bà ngồi ngắm không biết chán những cái cây đang dần dần lớn lên.
 
Tối tối, khi đi ngủ, bà thường kể chuyện cho tôi. Nghe các câu chuyện của bà, tôi như được hoá thân vào các nhân vật, khi thì là cô Tấm dịu hiền, khi lại là cô tiên tốt bụng. Bà mua cho tôi rất nhiều sách, nhờ đó kiến thức của tôi được rộng mở hơn.
 
Giờ đây, khi Hà Nội vào đông lạnh giá, ở nơi xa, tôi luôn lo bà có mặc đủ ấm không, bà ngủ có ngon giấc không… Tôi mong bà sống mãi bên tôi. Bà ơi, cháu yêu bà nhất trên thế gian này. Bà là người bà tuyệt vời nhất.
 
Bài làm 2
 
Nhà bà ngoại em ở làng hoa Ngọc Hà thuộc thành phố Hà Nội. Hè nào mẹ em cũng đưa 3 con từ Ninh Bình lên thăm bà và ở chơi với bà một hai tuần lề.
 
Bà ngoại năm nay tròn 70 tuổi. Bà là con gái làng hoa nên có nước da rất đẹp: trắng trẻo, hồng hào. Gương mặt hiền từ, phúc hậu. Tiếng nói của bà nhẹ nhàng, tình cảm. Mái tóc của bà nay đã bạc, nhưng vẫn mượt mà, bà búi gọn trông rất ưa nhìn. Bà nói thời con gái tóc bà xanh mượt, dài chấm gót. Mắt bà vẫn tinh anh, chỉ khi nào đọc báo thì bà mới đeo kính lão.
 
Bà có đôi bàn tay khéo léo. Hái hoa, tỉa cành, bắt sâu cho hoa, đôi bàn tay bà làm nhanh thoăn thoắt. Bà bảo: "Chăm hoa như chăm con trẻ, phải nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa chứ… ” Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, bà đã mấy lần đi Đà Lạt tìm mua giống hoa quý. Vườn hoa của bà có rất nhiều loài hoa, đẹp nhất, thích nhất là những luống hoa hồng, hoa cúc,… đúng là muôn hồng nghìn tía. Bà thuộc tính nết từnng loài hoa. Nghệ thuật "hãm” hoa nở đúng kì, đúng dịp lễ tết của bà cả làng hoa Ngọc Hà ai cũng phục và nể.
 
Tính bà cần cù, thức khuya dậy sớm đã thành thói quen. Con trai, con gái, dâu, rể trong gia đình, ai cũng kính yêu, quý trọng bà. Bà có 12 đứa cháu nội, ngoại. Đứa nào bà cũng cho 20 triệu đồng để mua xe máy đi làm, hoặc làm quỹ học tập. Mẹ em là con út, lấy chồng xa, nên bà rất thương. Đôi hoa tai và dây chuyền vàng của bà , bà đã cho mẹ em. Mẹ em vẫn cất giữ nâng niu.
 
Hè nào lên Hà Nội thăm bà. Bà cũng hỏi về chuyện học hành. Cả ba chị em đều đạt học sinh giỏi. Bà khen, bà cười, nước mắt bà chảy ra.
 
Thương bà và nhớ bà lắm. Chỉ mong được nghi hè lên Hà Nội ở chơi với bà. và nghe bà đọc bài ca dao:
 
"Giếng Ngọc Hà vừa trong vừa mát,
 
Vườn Ngọc Hà thơm ngát gần xa,
 
Hỏi người xách nước tưới hoa,
 
Có cho ai được vào ra chốn này? ”
 
Khi ấy, thấy bà vui và như trẻ lại. Em chỉ cầu mong bà ngoại em được vui khoẻ và sống lâu cùng con cháu.
 
Bài làm 3
 
Bà ngoại em là một người tần tảo, chịu thương, chịu khó, hi sinh vì các con, các cháu. Em thấy trong em có một tình yêu, tình thương rất lớn dành cho bà. Em luôn coi bà là một tấm gương để em học tập và noi theo.
 
Bà em năm nay đã ngoài 75 tuổi. Dáng bà đã gù mái tóc cũng đã bạc đi nhiều theo năm tháng, Nước da đen xạm và nhăn nheo đi nhiều. Dù là đã có tuổi nhưng bà vẫn đi chợ, nấu cơm và chăm sóc các cháu, nhà em cách nhà bà ngoại khoảng 1 cây số, nên em rất hay sang nhà bà chơi, mỗi lần như vậy bà thường hay bảo em ở lại ăn cơm và ngủ cùng bà đẻ bà đỡ buồn. Bà nói, bà già rồi, bà không ăn được nhiều nữa, chỉ cần các con, các cháu quây quần đầy đủ là bà vui lắm rồi. Ông ngoại mất sớm, một mình bà cày thuê cuốc mướn để nuôi các con ăn học, đến bây giờ tất cả các bác, các cậu đã trưởng thành.
 
Ngày trước ai cũng khuyên bà nên đi bước nữa, nhưng bà không đồng ý, bà không muốn các con của bà phải khổ.  Một mình bà làm hết mọi việc trong nhà và các công việc ngoài xã hội,  nên nhìn bà gầy và già hơn tuổi rất nhiều, đôi bàn tay gầy guộc và chai sạn theo năm tháng. Mỗi lần nhìn thấy bà em đều cảm phục và thương bà, bà đã dành cả tuổi trẻ của mình để lo cho các con, các cháu. Mỗi lần kể lại những câu chuyện ngày xưa bà đều khóc. Bà nói cuộc đời bà đã khổ nhiều, bà chỉ mong cho các con các cháu ngoan ngoãn, nghe lời, bà đặt nhiều hi vọng vào chúng em. Cũng chính vì chúng em là niềm tự hào của bà, nên em luôn tự hứa rằng mình sẽ cố gắng, sẽ học tập thật tốt để cho bà được vui.
 
Những tình cảm bên bà, tình yêu dành cho bà luôn ở trong tim em và những tình cảm ấy sẽ không bao giờ phai nhạt đi. Em mong bà có thể sống thật lâu để em có thể được ở bên bà nhiều hơn, được chăm sóc cho bà, được bà chở che và lo lắng.
 
Bài làm 4
 
Bà tôi thương tôi lắm! Tôi nghe mẹ tôi kể rằng: Đó là ngày tôi sinh ra đời, trời mưa to, một mình bà ngoại ngồi dưới cổng bệnh viện. Lúc ấy, bố tôi có nói: "Bà ơi, bà mau về nhà kẻo cảm lạnh, có tin gì con sẽ báo cho nhà sau." Với một giọng nhẹ nhàng, bà nói:
 
"Không sao, bà muốn xem cháu bà ra sao, ở nhà cũng có người trông rồi, con cứ yên tâm." Khi tôi được sinh ra, bà là người đầu tiên bế tôi, cũng là người đặt cho tôi cái tên rất ý nghĩa: Thanh Bình. Ý của bà như muốn một cô cháu gái duy nhất của bà được hưởng một cuộc sống bình yên, mãi mãi vui vẻ.
 
Nghe xong câu truyện ấy, tôi đã rất xúc động, tôi cảm nhận được hơi ấm từ bàn tay bà bồng bế tôi, bàn tay ấy là tấm lòng yêu thương, quí mến mà bà dành cho tôi.
 
Hằng ngày, bà tôi một tay đảm đương hết công việc nhà. Sáng sớm, tôi đã thấy bà dậy quét sân, lau nhà. Bà làm bữa ăn sáng và mời cả nhà. Mỗi khi tôi đi học về, bà đều ngồi trước thềm nhà đón tôi. Tôi rất thích mỗi khi bà cười, trông bà như trẻ ra bao tuổi vậy. Vì thế tôi luôn cố gắng học, giành nhiều điểm tốt về đem khoa với bà.
 
Có lần, tôi thấy bà ngồi hát một mình. Những câu hát của bà tôi nghe sao thân thương, quen thuộc đến vậy. Hồi nhỏ, bà thường đung đưa võng ru ngủ tôi. Phải chăng trong lời ru ấy chứa chan biết bao tình thương, mong ước của bà cho tôi?
 
Vào những tối thứ bảy, bà thường gọi chúng tôi ra sân nghe bà kể chuyện. Chúng tôi say sưa nghe bà kể chuyện. Giọng bà trầm mà ấm làm sao! Dưới ánh trăng, câu chuyện của bà lung linh, huyền ảo. Mỗi câu chuyện bà đưa chúng tôi vào một thế giới thần kì với muôn vàn màu sắc như truyện về Cô Tấm, Chàng Thạch Sanh,… Những câu truyện ấy cho đến bây giờ tôi vẫn nhớ, mỗi câu chuyện bà kể như một lời khuyên bào chúng tôi.
 
Năm tôi học lớp hai, bà tôi bị ốm. Bà tôi tuổi đã cao nên bà bị bệnh, cả nhà ai cũng lo lắng. Ngày hôm đó, tôi ngồi gấp những chú hạc với mong muốn bà sẽ khỏi ốm. Ngày còn bé, mỗi khi tôi khóc, bà là người đã dỗ tôi bằng cách gấp những chú hạc xinh xinh chờ mẹ về. Qua ba ngày, bà tôi tỉnh dậy, thấy tôi khóc, bà xoa đầu tôi:
 
– Cháu ngoan, bà vẫn khỏe, cháu đừng khóc nữa!
 
Tôi ngậm ngùi nói:
 
– Bà ơi, nhất định bà phải khỏe lại để sống bên cháu, bà nhé! Những chú hạc này cháu gấp dành tặng bà.
 
Bà tôi lúc ấy tươi cười rạng rỡ khi nhìn thấy những chú hạc mà tôi gấp tặng bà. Mấy ngày sau đó, tôi nghe tin bà tôi không qua khỏi, tôi đã rất buồn.
 
Mặc dù người bà mà tôi hằng kính yêu đã sang thế giới bên kia, mãi mãi không quay trở về, nhưng tôi luôn tự nhủ phải học thật giỏi, thật ngoan để bà có thể tự hào về cô cháu gái tươi vui, hồn nhiên, trong sáng của bà.

Leave a Comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Scroll to Top