Trang chủ » Bài văn tả về bố của em lớp 5 hay nhất

Bài văn tả về bố của em lớp 5 hay nhất

Bài làm 1
 
“Công cha như núi Thái Sơn” câu ca dao ấy vẫn luôn đúng cho tới tận ngày nay. Cha luôn là người dạy em những điều hay lẽ phải, nếu như mẹ cho em một bàn tay dịu dàng, một tình yêu thương ngọt ngào thì cha lại như một sự nâng đỡ em trong cuộc đời và cho em một tình yêu đong đầy nhưng cũng đầy nghiêm khắc. đối với em cha không chỉ là một người trụ cột của gia đình, không chỉ là một người cha mà còn là một anh hùng, một tấm gương đạo đức để em học tập và noi theo.
 
Cha em như một vị anh hùng trong mắt em vậy. cha em không cao lắm chỉ có một mét sáu bảy thôi thế nhưng thân hình ấy lại hơi mập đủ có thể che chở cho em trước những nguy hiểm. Nhớ có lần cả một cành cây khô rơi xuống cha đã lấy thân hình của mình để đỡ lấy cái đau ấy. Cha em mập là vậy nhưng cha lại rất nhanh  nhẹn trong công việc. Không những thế cha còn có cả một khuôn mặt chữ điền vuông vắn có phúc, em biết điều đó vì được nghe rất nhiều người khen cha và thật tự hào về cha của mình. Cha có nước da trắng mà khiến nhiều người phụ nữ cũng phải ghen tị vì nước ấy. Những buổi đi làm đồng về cùng nhau rửa chân tay lấm bùn trên con mương nhỏ ai cũng phải trầm trồ vì làn da ây. Rồi có người lớn khéo chửi đùa “ Sư mày đàn ông con trai gì mà trắng hơn cả đàn bà thế”. Nước da trắng ấy không phải là da trắng bạch mà đủ độ trắng với một người đàn ông phong độ như cha em.
 
Mắt cha em to tròn và ướt nước, nhìn ban đêm thì thật lấp lánh hiền từ như những ngôi sao ngoài trời đêm. Đôi môi đẹp lắm và cả những hàm răng đều tăm tắp như hạt ngô càng làm cho vẻ hiền từ của cha trở nên đẹp lạ thường. Mà đặc biệt mỗi khi cha cười em thấy hạnh phúc biết bao, đó là một nụ cười rạng rỡ, một nụ cười hiền lành chất phác của một người nông dân. Đặc biệt hơn nữa là đôi bàn tay cha, đôi bàn tay ngày ngày chăm lo em, đôi tay vuốt má, đôi tay ẵm em và cả đôi tay đòn roi đau đớn nữa. Bàn tay cha không mềm mại như bàn tay của nhiều người khác bởi quê hương nghề chính là đồng ruộng vì vậy mà đôi bàn tay của cha chai đi vì cày bừa, chai đi vì mưa nắng ngoài ruộng. Thế nhưng đôi bàn tay vẫn tràn đầy yêu thương khi vỗ về những đứa con nhỏ, vẫn xoa đầu hay vuốt mà chúng đầy ngọt ngào. Và cũng chính vì thế em hiểu được phần nào những nỗi vất vả mà cha đã phải chịu vì em. Không những thế bàn tay chai, khô cằn, ngắn ngủn đó lại em có thể viết rất đẹp và làm ra những đồ vật thật đẹp mắt trong nhà. Bàn tay ấy còn làm nên những ngôi nhà đẹp đẽ, nhìn những viên gạch đỏ lừ được xếp thành hàng bên cạnh những hàng vữa thật sự thích mắt.
 
Và giờ đây khi em đã khi thời gian và những nhọc nhằn mà cha đã trải qua đã khắc tạc trên khuôn mặt mái tóc cha em. Mới ngày nào mà mái tóc đã ngả sang màu khói. Đó không hẳn là trắng cũng không hẳn đã là đen, đó là một màu tóc của sương sớm, là màu tóc của những ánh nắng gắt gỏng trên cánh đồng ban trưa và là màu của cơn mưa rào nọ. tất cả những nhọc nhằn sóng gió của cuộc đời cũng như những vất vả khi chăm sóc những đứa con trưởng thành như hằn in trên những vết nhăn trên mắt cha. Mỗi lần cha cười những vết nhăn ấy lại lộ ra rõ hơn hay cũng có khi em nhận bắt gặp những nếp nhăn ấy nhưng không phải cười mà là cha đang suy nghĩ về điều gì đó. Dẫu thời gian có mang tuổi thanh xuân cảu cha đi nhưng cho đến bây giờ cha vẫn luôn là người bảo vệ em khỏi những nguy hiểm của cuộc sống, cha vẫn là điểm tựa vững chắc và bàn tay nâng đỡ khi em vấp ngã.
 
Em rất  yêu mến cha của em nếu có một điều ước em luôn mong sức khỏe đến cho cha để cha sống với em mãi mãi. Nếu như mẹ giống như một thiên thần một bà tiên trong mắt em thì cha lại giống như một vị anh hùng, một ông tiên hiền lành không chỉ mang đến những phép màu cho cuộc đời em mà mang đến cả một tình phụ tử thiêng liêng đầy che chở.
 
Bài làm 2
 
Cha em tên là Trần Đức Hậu, 48 tuổi. Cha em là y sĩ đang công tác tại bệnh viện huyện. Cha em người đen, cao và gầy. Mắt cha sáng, tóc đen, quăn, tiếng nói ốm ồm nhưng rất hiền. Thứ bảy, chủ nhật, cha em mới ở nhà. Cha em đang học Đại học Y tại chức, chuyên khoa Nội tiết.
 
Cha thường sắm sách vở, quần áo đẹp cho hai anh em: anh Tú và em. Tối nào, cha cũng ngồi hướng dẫn hai anh em học bài và làm bài. Cha nói với hai con: “Học tốt hôm nay để làm ăn sau này!”. Em vẫn nhớ mãi lời cha khuyên bảo.
 
Bài làm 3
 
Trên thế giới này, không ít con người không được sống trọng tình yêu thương của bố mẹ, được sống trong một gia đình, trong một tổ ấm. Và cũng thật bất hạnh thay cho những gia đình, những tổ ấm không còn hay không có dáng vẻ của người cha, cũng giống như một ngôi nhà mất đi trụ cột chính.
 
Tạo hóa đã ban cho con người mốt cuộc sống thật hạnh phúc, có cha và mẹ ở bên, cùng sống trong tổ ấm. Không gia đình nào có thể có sự hạnh phúc thật sự nếu thiếu vắng người cha, thiếu vắng một trụ cột của gia đình. Cha không phải là lời nói dịu ngọt, hay những cử chỉ yêu thương, cũng không phải là lời ru nhẹ nhàng, cha chính là chỗ dựa tuy vô hình nhưng vững vàng và chắc chắn nhất trong cuộc đời mỗi con người.
 
Chúng ta đều biết trong cuộc sống xã hội văn minh và sầm uất này ta không thể sống vui vẻ, sung sướng nếu ta mất đi một chỗ dựa, mất đi một người cha, người mà ta hằng yêu quý. Liệu ai có thể cho ta sự tự tin và nghị lực, sự rắn rỏi và can đảm? Ai có thể cho ta ngồi trên đôi vai cứng cáp ngắm bầu trời cao vợi đù ngày ngày vất vả, cực nhọc vì ta? Chắc hẳn câu trả lời không thể nào khác: "cha". Tạo hóa không ban cho cha một bàn tay búp măng, mịn màng, trắng muốt. Những điều ta thấy ờ cha chỉ là một bàn tay thô ráp, những ngón tay chai lại vì cực nhọc, vất vả. Tạo hóa lấy đi của người cha đôi bờ vai tròn lẳn mà thay vào đó là đôi bờ vai rộng và cứng cáp. Nếu không có bàn tay thô ráp ấy liệu ai sẽ là người nâng ta lên cổ, ai có thể làm việc cật lực vì cuộc sống của ta. Sẽ chẳng ai cho ta trèo lên cổ nếu đôi bờ vai của cha biến mất. Có rất nhiều gia đình đã không còn bóng dáng người cha, chiến tranh, bệnh tật hay sự bất hòa đã cướp đi những người cha đó. Mất đi người cha, dù biết nỗi đau đớn sẽ nguôi ngoai dần nhưng cuộc sống của ngưòi đó sẽ mất đi một bờ vai vững chắc để tựa mỗi khi mệt mỏi, mất đi một bàn tay kéo ta ra khỏi sự nản lòng, nhụt chí. Mất cha là mất đi một sự bảo vệ, mất một đôi cánh cho ta bay vào cuộc đời, có thể rằng cuộc sống rồi sẽ cho ta những niềm vui mới, những nỗi nhớ nhung và sự hồi tưởng sẽ như những cây kim đâm vào lòng ta đau nhói, để lại cho ta những vết sẹo chẳng lành.
 
Ta sẽ luôn phải sống tốt, phải cố gắng vươn lên trong cuộc sống nhưng hãy luôn nhớ rằng phía sau gia đình và cả cha đang ngày ngày lao động vì ta, ngày ngày mệt mỏi vì ta, vì người mà họ hằng yêu quý.
 
Hãy sống sao cho tình thương và sự yêu quý của cha không bao giờ bị lãng phí và sẽ không bao giờ bị quên lãng.
 
Bài làm 4
 
Buổi sáng trời trong xanh, gió mát nhẹ của một làng quê yên bình, lời bài hát đâu đó vang lên: “ Con không quên năm tháng bao la tình cha / Dang đôi tay ôm ấp con thơ vào lòng / Người là ánh sáng rọi đường con bước…..”. Lời bài hát thật dễ nhớ làm sao, phải chăng đó là sự thân thuộc mà mỗi ngày tôi được nhận từ người cha đáng kính của mình?
 
Sống trong một vùng quê khi tỉnh dậy đã thấy ruộng, nương, núi, đồi. Nên đa số người dân ở đây đều làm nông nghiệp và cha tôi là một bác nông dân thụ. Mỗi ngày năm giờ sáng cha đã dậy chuẩn bị ra đồng để cày, bừa. Khi không trồng lúa thì lại chuyển sang trồng  các cây ngắn ngày khác như: ngô, khoai…quanh năm lúc nào ba cũng bán mặt cho đất, bán lưng cho trời vậy.
 
Đối với em, cha không chỉ là người trụ cột trong gia đình , mà cha còn là một người thầy, một người bạn thân thiết. Ba kể lúc nhỏ, mỗi khi tôi khóc thì chỉ đòi ba, có lẽ vì thế mà tôi được cha chiều hơn cả. Cha tôi đã ngoài 40 tuổi, nhưng dường như mưa gió cuộc đời và sự vất vả trên cánh đồng đã làm  cho cha nhìn già hơn tuổi. Cha tôi cao một mét bảy, dáng cha hơi gầy nhưng rất khỏe. Quanh năm dãi nắng dầm mưa đã tạo cho cha có một làm da bánh mật trông rất khỏe khoắn.  Đôi tay đầy vết trai sần, bụi bặm của một người nông dân. Cha có khuôn mặt vuông chữ điền. sống mũi cao, đôi mắt sâu. Mái đầu cha đã điểm những sợi bạc ngày một nhiều vì lắm ưu tư.
 
Từ nhỏ, tôi đã được cha chỉ bảo từng chút một. Là một người nông dân là thế, nhưng hằng đêm, cha giống như một vị gia sư hướng dẫn tôi cách học, cách viết, hướng dẫn cách giải các bài toán khó… Không chỉ vậy, mỗi khi bị điểm kém, cha không mắng mà an ủi động viên tôi cố gắng bài sau. Đối với thế giới của tôi,cha như một nhà thông thái am hiểu tất cả, cha đều đưa ra những câu trả lời rất hay trước những câu hỏi ngu ngơ của một đứa trẻ đang lớn.
 
Tôi còn nhớ, có lần trời mưa to ngập cầu, không đi xe qua được, cha đã đi bộ đến đón tôi. Từ xa cha cầm một chiếc ô to tiến lại gần, cha cõng tôi trên lưng, cái cảm giác thật tuyệt vời dường chỉ có tình yêu thương ấm áp của cha, mặc kệ bùn đất kia bám đầy quần áo cha, tấm lưng của cha như bức tường vững để bảo vệ tôi trước giông bão cuộc đời. Từng bước chân của cha vững chắc trên con đường lầy dễ trượt, đang tiến thẳng về ngôi nhà thân yêu.
 
Đối với tôi, hình ảnh một người nông dân quanh năm tóc rối, da ngăm bởi gió sương, lo cho tương lai từng đứa con thơ sẽ mãi in sâu trong tâm trí. Tự nhủ với bản thân, tôi phải học tập thật tốt để không phụ lòng của gia đình, đặt biệt là người cha đáng kính.
 
Bài làm 5
 
Mẹ là người sinh ra ta và có biết bao bài ca đã từng viết về mẹ. Bố lại là người luôn mạnh mẽ trước bao biến cố trong cuộc đời, dạy ta rắn rỏi đứng lên từ vấp ngã. Bố, mẹ là những người chúng ta gọi tên hàng ngày. Hạnh phúc vẹn tròn khi có bố ở bên. Em cũng vậy!
 
Bố em tên là Cao Trọng Vân, bố em năm nay 40 tuổi rồi. Bố làm nghề thợ mộc, đây là nghề ông dạy bố từ nhỏ. Bố yêu nghề như yêu những con người luôn bên cạnh và đem niềm vui đến cho bố.
 
Bố là người có dáng người cao, vạm vỡ- dáng người ấy rất phù hợp với nghề nghiệp của bố. Bố có thể lấy dụng cụ một cách dễ dàng vì cánh tay bố dài và linh hoạt. Bố cũng di chuyển rất nhanh, từ khâu lấy gỗ, kiến tạo, mọi công việc bố đều sắp xếp rất chu đáo, gọn gàng. Có lẽ vì vậy mà bàn tay bố không hề mềm mại, thô và chai sần nhưng lại vô cùng khéo léo, sản phẩm của bố độc đáo và ưng ý với mọi người. Với em, đó là bàn tay rất đặc biệt.
 
Bố em có khuôn mặt tròn, đôi mắt bố luôn nhìn mọi người thân thiện, có lẽ cũng do nghề nghiệp đem lại niềm vui nên đôi mắt bố không hề tỏ ra mệt mỏi mà luôn sáng lên một cách kỳ lạ. 40 tuổi nhưng mái tóc bố không còn đen, ngoài thời gian giúp em học bài, cùng mẹ làm những việc nặng nhọc, bố luôn ngồi xưởng gỗ để làm việc. Những lớp bụi của gỗ bám vào tóc làm cho bố như già đi. Em nhìn rõ hơn những sợi tóc bạc khi bố xoa xoa lớp bụi bám ấy.
 
Khi làm việc, bố thường mặc những bộ quần áo tối màu, bố lúc nào cũng cần mẫn, tỉ mỉ trong từng sản phẩm, bố thường cài bút chì trên đôi tai rất điêu nghệ. Những vật dụng trong nhà đều do bố làm cả, bố dành riêng cho em một giá sách được sơn bóng loáng, gửi gắm niềm mong muốn em sẽ cố gắng học tập.
 
Bố không sở hữu chất giọng êm, ngọt ngào như của mẹ. Giọng bố ấm áp, truyền cảm, bố truyền đạt rất dễ hiểu và luôn ân cần với em. Nhất là lúc em gặp những bài toán khó hiểu, bố kiên trì giảng giải và luôn thúc đẩy em phải nỗ lực hết mình. Em thấy khâm phục bố lắm!
 
Bố là người sống kín đáo, tế nhị, không hề mất lòng ai. Mặc dù miệt mài với công việc nhưng bố luôn dành thời gian quan tâm tới gia đình. Em sẽ học tập ở bố đức kiên trì, bền bỉ. Với bản thân em, bố mang lại niềm tin rất lớn. Em thầm cảm ơn bố đã cho em một gia đình hạnh phúc, đủ đầy…

Leave a Comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Scroll to Top