Bài làm 1
Vào những ngày cuối tuần, tôi thường hay ngồi đọc sách, đó là một cách để thư giãn sau một tuần đi học mệt mỏi. Buổi sáng chủ nhật hôm ấy, tôi vẫn đọc sách như mọi khi thì bỗng bố tôi đi chơi. Tôi khá bất ngờ vì một người bận rộn như bố thường tranh thủ nghỉ ngơi ở nhà vào những ngày cuối tuần với những công việc đã thành thói quen như xem ti-vi, đọc báo… Tôi ngạc nhiên vội hỏi rằng hai bố con sẽ đi đâu, bố mỉm cười:
– Đó là một nơi rất thú vị, khi nào đến thì con sẽ biết.
Nghe bố nói vậy, tôi không hỏi nữa và háo hức chuẩn bị đi ngay.
Tôi đã tưởng tượng ra nào là công viên, khu vui chơi… nhưng không ngờ rằng đó lại là một quán cà phê ở Hàng Buồm, Hồ Gươm thật giản dị với cái tên “Lính”. Tôi cảm thấy tò mò và thích thú khi bước vào. Đây là một quán cà phê rất lạ mà tôi chưa bao giờ đặt chân đến. Mọi vật trong căn phòng có cái gì đó rất thiêng liêng. Những chiếc ba-lô của người lính, những chiếc mũ cối, những khẩu súng trường, áo chống đạn… Tất cả như đưa tôi trở về với quá khứ của một thời chiến tranh bom rơi đạn nổ.
Tôi nhìn toàn bộ căn phòng, nơi đây không khác gì một “viện bảo tàng nhỏ” trưng bày những ký vật thời chiến tranh. Đang say sưa ngắm nhìn xung quanh, chợt tôi thấy một bác trung niên tầm tuổi bố tôi, bước ra chào hỏi và bắt tay bố thân mật. Sau đó, tôi mới biết đó là một buổi hẹn trước của bố và một người bạn hồi còn đi lính. Quán hàng hôm nay thật yên tĩnh mà có cảm giác như không gian rộng lớn thu nhỏ về một góc nơi ba con người đang nói chuyện. Ba li cà phê bốc hơi nghi ngút, mở đầu cho cuộc nói chuyện giữa bố con tôi và người bạn của bố.
Bố giới thiệu với tôi rằng bác tên Trung, là người bạn thân của bố thời chiến. Bố và bác Trung đã cùng nhau vượt qua bao khó khăn, thử thách trong những năm tháng chống Mỹ ác liệt. Thoáng nhìn qua người bạn của bố mình, tôi thấy dù bằng tuổi bố nhưng trông bác già dặn hơn đôi phần. Khuôn mặt vuông chữ điền cùng với những vết chân chim nơi viền mắt tạo nên một vẻ hiền hòa, từng trải và có cái gì đó trầm lặng. Con người bác toát nên một vẻ giản dị mà nghiêm trang đồng điệu với không khí của quán cà phê kì lạ này. Đang mải mê suy nghĩ chợt bác Trung hỏi tôi:
– Chắc cháu thắc mắc về quán cà phê này lắm nhỉ?
Tôi liền đáp lại:
– Dạ, vâng ạ. Sao quán cà phê này lạ thế hả bác?
Bác cười xòa, uống một ngụm cà phê, tiếp lời:
– Quán cà phê này với bác không phải là một cửa hàng để kinh doanh mà nó là nơi lưu giữ những kỉ niệm, hồi ức về những năm tháng không thể nào quên.
“Thì ra là vậy” – Tôi tự nói với chính mình. Tôi đã phần nào hiểu được mục đích mà bố dẫn tôi đến đây. Thấy thích thú, tôi hỏi:
– Vậy ấn tượng đặc biệt nhất của bác về thời chiến là gì ạ?
Bác Trung không vội trả lời, ánh mắt hướng về góc quán, nơi trưng bày những bức hình thời chiến. Đó là tấm hình của một vầng trăng tròn, đẹp đến lạ thường. Vẫn nhìn vào đó, bác nói với tôi như đang tự nói với chính mình:
– Đối với bác chiến tranh không phải chỉ về hình ảnh bom rơi đạn nổ mà còn là về hình ảnh một người bạn đặc biệt đã giúp bác nhận thức được nhiều điều về chân lí cuộc sống – vầng trăng.
Tôi thoáng ngạc nhiên, dường như đọc được vẻ sững sờ trên khuôn mặt tôi, bác kể tiếp:
– Hồi nhỏ bác sinh ra và lớn lên ở một miền quê mà nơi ấy có tất cả những vẻ đẹp đơn sơ, giản dị nhất của làng quê Việt Nam. Nơi ấy có những đồng lúa, những dòng sông cùng với biển rộng và cát trắng. Vầng trăng đã gắn bó với bác từ thời ấu thơ, bác có thể ngắm nhìn cái ánh sáng hư ảo ấy ở mọi nơi. Bác vẫn còn nhớ, hồi nhỏ và mỗi buổi tối, bác cùng những người bạn của mình ra ngoài biển vui chơi. Ánh trăng trên mặt biển sáng lấp lánh như đang lướt theo những con sóng vỗ vào bờ. Làn gió thổi nhẹ mang theo cái vị mặn mòi của biển cả, tiếng sóng biển rì rào và vầng trăng tỏa sáng lấp lánh mỗi đêm mùa hạ êm như nhung đã in dấu và tuổi thơ bác. Rồi khi đi bộ đợi, vầng trăng cũng lại gắn liền với bác. Chắc cháu sẽ nghĩ rằng cuộc đời của một người chiến sỹ sẽ chỉ có súng đạn, khói lửa chiến tranh nhưng đời lính cũng có những giây phút rất nên thơ và lãng mạn. Những lúc ấy, vầng trăng là tri kỷ. Trăng đã luôn đồng hành với bác trên những con đường hành quân ra trận, những buổi họp đội, những lần phục kích chờ giặc. Nhờ có vầng trăng, những người lính như được tiếp thêm sức mạnh, thổi bùng lên những ước mơ và hy vọng hòa bình. Bác đã ngỡ rằng mình sẽ không bao giờ quên người bạn tâm tình ấy. Vậy mà…
Ngừng lại, dường như tôi có thể nghe thấy một tiếng thở dài nơi bác. Im lặng, tôi chờ bác nói tiếp:
– Sau khi kết thúc chiến tranh, bác lên thành phố sinh sống. Khác với cuộc sống khổ cực nơi thôn quê thời chiến, cuộc sống thành thị tiện nghi và hiện đại hơn nhiều. Ngày trước dường như ánh sáng của vầng trăng là duy nhất, mỗi đêm hè chỉ ao ước ngồi ở thềm nhà để ngắm trăng. Học cũng chỉ dưới ánh sáng lung linh huyền ảo ấy. Nhưng bây giờ đã khác. Không cần đến trăng, mọi sinh hoạt của con người đều được rọi sáng bằng đèn điện. Thế là bác cũng chẳng còn thói quen ngắm trăng nữa. Mỗi khi đêm xuống, vầng trăng xuất hiện , bác cũng không còn cái háo hức chờ đợi. Vầng trăng đã trở thành người dưng không quen biết. Cho đến một hôm, cả tòa nhà nơi bác sống bị mất điện. Căn phòng tối om, bác vội bật tung cửa sổ, vầng trăng xuất hiện ngay trước mắt bác. Trong lòng bác lúc ấy như có một xúc cảm mạnh mẽ trào dân khiến khóe mắt như có gì rưng rưng. Nhìn thấy vầng trăng quen thuộc ấy, bao nhiêu kỷ niệm ùa về. Những khoảnh khắc ngắm trăng hiện ra như trước mắt. Vầng trăng vẫn tròn đầy, vẫn lung linh mặc cho thời gian có chảy trôi mặc cho người đời có thay đổi. Chỉ trong giây phút ấy, bác đã hiểu ra được nhiều điều. Bác tự trách mình đã vô tâm, đã quên đi một người bạn tri âm tri kỷ.
Giọng nói bác trầm ấm, đôi mắt bác đỏ hoe, có cái gì đó lắng đọng. Có lẽ vì bác xúc động quá. Và như có một điều gì đã vỡ lẽ trong tâm trí tôi. Tôi hiểu rằng mình được sinh ra và lớn lên ở thời bình không hiểu được cái khó khăn gian khổ thời chiến. Hạnh phúc, sự yên ấm ngày hôm nay có được là nhờ sự hi sinh nương náu của biết bao người. Vì vậy, mình phải biết nhìn lại quá khứ, suy nghĩ về những điều mình đã làm, về moi người xung quanh để cảm, để hiều và để trân trọng nhưng giây phút của hiện tại.
Trước khi hai con bố con tôi trở về nhà, bác Trung đã tặng tôi bức tranh vầng trăng của quán và ôn tồn dặn tôi rằng:
– Cuộc sống giờ đây bộn bề với biết bao nhiêu tấp nập và hối hả, con người ta dễ vô tâm, lãnh cảm với những giá trị truyền thống, với quá khứ nghĩa tình. Đôi khi cháu phải biết nhìn “ngược”, sống chậm lại, nghĩ khác đi và yêu thương nhiều hơn.
Tôi liền nói cảm ơn với bác vì nhờ có câu chuyện của bác ngày hôm nay mà cô bé này đã có thêm một bài học bổ ích trong cuộc sống. Trên đường trở về nhà, tôi chợt nhớ đến một câu nói của nhà văn Nguyễn Minh Châu: “Xin mọi người hãy tạm ngừng một phút cái nhịp sống bận bịu, chen lấn để tự suy nghĩ về chính mình”.
Bài làm 2
Chiến tranh đã qua từ rất lâu rồi, và có lẽ những người trẻ tuổi như tôi không bao giờ hiểu được cái khó khăn, gian khổ của công việc cầm súng chiến đấu bảo vệ đất nước. Nhưng qua một lần nói chuyện, chỉ một lần gặp gỡ tình cờ đã cho tôi hiểu ra rất nhiều điều và thực sự cảm nhận được cuộc sống những ngày đạn bom gian khổ ấy,…
Những bánh xe đang lăn đều, lăn đều và chậm rãi khỏi nhà ga, chuyến tàu Bắc Nam bắt đầu cuộc hành trình của nó… Con tàu lao nhanh dần, lòng tôi bỗng thấy buồn lạ, cũng phải thôi, đây là lần đầu tiên tôi đi xa nhà như vậy, hơn nữa lại đi một mình. Trên một chuyên tàu toàn người xa lạ, con bé mười lăm tuổi như tôi bỗng thấy chạnh lòng, sống mũi cay cay, hai mắt đỏ dần, trong lòng rơn lên một nỗi nhớ nhà, nhớ ba mẹ da diết. Người đàn ông ngồi bên cạnh, tôi mạn phép tôi gọi người ấy là “bác”, dường như đã cảm nhận được tôi đang nghĩ gì. Bác trạc ngoài sáu mươi, mái đầu bạc trắng, làn da đồi mồi, hơi rám nắng, dáng người to khoẻ. Nhìn những chiếc huân chương đeo trên ngực bác, tôi đoán, bác là một cựu chiến binh. Bác quay sang tôi bắt chuyện :
– Buồn hả cháu ? Nhớ nhà phải không ? Đợt mới nhập ngũ, bác đã từng có cảm giác như cháu bây giờ. Nhưng mau qua thôi, nó rèn luyện cho cháu tính tự lập, xa bố mà sống vẫn tốt.
Tôi nhìn bác cười rồi khe khẽ hỏi :
– Bác từng đi lính ạ ?
Bác nhìn tôi rồi cười phá lên :
– Đúng rồi cháu ạ ! Bác từng là một người lính đấy. Người lính lái những chiếc xe rất đặc biệt, những chiếc xe không kính cháu à. Ngày ấy Mĩ nó đánh ta ác liệt lắm, bác xung phong lên đường nhập ngũ. sẵn trong người tính thích mạo hiểm, lại biết lái xe, binh đoàn phân công bác vào tiểu đội 71A, lái những chiếc xe tải qua con đường Trường Sơn, chi viện súng, đạn, lương thực, dược phẩm cho đồng đội ở chiến trường miền Nam. Ngày ấy đường đi vất vả lắm cháu ạ, đâu có được đổ bê tông phẳng lì như bây giờ, lại còn đi đường rừng, tối om, không cẩn thận là lao xuống vực như chơi. Xe lại không có kính, bộ phận, tua vít nên lổng lẻo, tạo ra tiếng động rất ghê tai. Thế mà đi nhiều, nghe nhiều rồi cũng quen cháu ạ ! Có những đêm lái xe qua rừng, chim thú các loại cứ bay ào ạt vào khoang lái, nguy hiểm lắm, nhưng cũng thấy thú vị. Hay rổi gió, bụi, mưa, lá cứ bay vào tới tấp, cay xè, trắng xoá mặt mày là chuyện bình thường…
Bác dừng lại uống ngụm nước… Ngay từ bé, đứa con gái như tôi đã rất thích những trò đánh trận, múa kiếm, bắn súng đủ các kiểu,… nhưng chưa hề được nghe tới bom đạn, hay những vất vả, cực nhọc mà mỗi người lính Trường Sơn phải trải qua, dù là trực tiếp chiến đấu hay là những chiến sĩ lái xe rất dũng cảm như bác. Tôi háo hức hỏi :
– Vậy đi chiến trường như thế bác có thấy nhớ nhà nhiều lắm không ạ ?
– Có chứ cháu, nhớ nhiều lắm, nhiều khi nhớ tới mất ăn mất ngủ. Lo lắng không biết mẹ mình giờ này làm gì, bom thả có mau chân mà chạy xuống hầm hay không ? – Ánh mắt buồn của bác như rạo rực lên. – Nhưng mà cũng được các bác cùng đơn vị an ủi và giúp đỡ nhiều lắm cháu ạ. Mấy anh em tuy mới gặp nhau nhưng quý nhau và thương nhau lắm, coi nhau như anh em ruột thịt trong nhà, có cái gì ngon hay mẩu thuốc lá là mấy anh em đều chia nhau hết, cực nhọc nhưng vui. Rồi những hôm lái xe, gặp anh em đồng đội trên đường đi, cứ thế mà mấy anh em tíu tít đứng bắt tay, ôm nhau rất tình cảm. Hình như có nhiều điểm chung là lòng yêu đất nước, căm thù bọn giặc và những đồng cảm về nỗi nhớ nhà, tâm sự và ước mơ, hoài vọng của tuổi trẻ nên các bác hiểu nhau và quý nhau lắm. Nhờ thế mà thêm tự tin, dũng cảm hơn trên con đường chiến đấu, nhất định phải thắng lợi để về với gia đình, anh em sẽ gặp lại nhau để cùng thực hiện những dự định trong tương lai…
Câu chuyện của bác còn dài, còn dài lắm nhưng mới chừng kia thôi đã đủ cho tôi cảm nhận về những người chiến sĩ, về những gì họ đã trải qua và về niềm tin, lòng lạc quan yêu đời của họ. Bánh tàu vẫn lăn, nhưng nó không gợi cho tôi cẫm giác buồn nữa, nó chỉ khẽ nhói lên trong người tôi một niềm vui khó tả, có lẽ là niềm vui được sống trong một thế giới hoà bình, niềm hạnh phúc về những gì mình đang có và tận hưởng…
Được gặp gỡ và trò chuyện với những người lái xe Trường Sơn năm xưa là may mắn của riêng tôi. Nó giúp tôi có thêm nghị lực và sức mạnh để hoàn thành những ước mơ của mình. Nó như một luồng sinh khí lan toả khắp người tôi, khiến tôi dũng cảm và có niềm tin hơn vào cuộc sống này. Và tôi hiểu ra một điều rằng : là người con của mảnh đất Việt phải chảy trong người dòng máu Việt. Bảo vệ, phát triển và xây dựng đất nước là nhiệm vụ tất yếu của tôi, cũng như của hàng vạn con người trẻ tuổi và cùng trang lứa khác…
Bài làm 3
Nhân dịp kỉ niệm ngày thành lập quân đội nhân dân và quốc phòng toàn dân, ngày 22 tháng 12, để chúng tôi hiểu thêm về lịch sử chiến đấu của dân tộc, nhà trường đã mời đoàn cựu chiến binh về thăm và trò chuyện. Trong đoàn đại biểu đó, tôi bắt gặp một người lính trên ngực gắn nhiều huân chương và trong buổi lễ chú đã giới thiệu mình là người lính lái xe trong Bài thơ về tiểu đội xe không kính của Phạm Tiến Duật. Cuối buổi, tôi đã lân la đến gặp và có cuộc nói chuyện thú vị với chú.
Các bạn có lẽ không thể hình dung được, người chiến sĩ lái xe trẻ trung, sôi nổi năm xưa giờ đĩnh đạc, oai nghiêm trong bộ quân phục mới. Chú có giọng nói khoẻ, ấm áp và tiếng cười âm vang. Cùng tháng năm, khuôn mặt tuy đã già dặn nhưng vẫn có vẻ hóm hỉnh, yêu đời của người lính. Qua trò chuyện, có thể thấy chú là người rất vui tính, nhiệt tình, đặc biệt là khi chú kể cho tôi về cuộc đời người lính trên tuyến đường Trường Sơn năm ấy. Chú kể với tôi, năm 1969 là năm chú thường cùng các anh em trong tiểu đội lái xe qua đây, cũng là năm mà Mĩ đánh phá rất ác liệt trên tuyến đường này. Bởi đường Trường Sơn, tuyến đường Hồ Chí Minh lịch sử là tuyến đường quan trọng nhất, là đầu mối giao thông, liên lạc hai miền Bắc – Nam
Chúng quyết phá cho bằng được. Chúng thả hàng ngàn tấn bom, cày xới những khung đường, đốt cháy những khu rừng. Hàng nghìn cây đã đổ, muông thú mất chỗ ở. Đã có nhiều người ngã xuống để bảo vệ con đường. Tuy Mĩ đánh phá ác liệt thật, nhưng những đoàn xe vận tải vẫn ngày đêm nối đuôi nhau trên con đường, đem theo bao lương thực, vũ khí đạn dược cho chiến trường miền Nam. Kể một lúc, chú lại mỉm cười và nói với tôi:
– Cháu thấy đấy, cuộc chiến đấu của các chú trải qua biết bao gian khổ, khó khăn. Những năm tháng ác liệt đó đã khắc hoạ cả một thời kỳ lịch sử của dân tộc ta oanh liệt hào hùng. Trên tuyến đường Trường Sơn giặc Mĩ đánh phá vô cùng ác liệt; bom Mĩ cày xới đất đai, phá hỏng những con đường, đốt cháy những cánh rừng, phá huỷ biết bao nhiêu những rừng cây là lá chắn của ta. Nhưng không vì "bom rơi đạn lạc" như vậy mà các chú lùi ý chí, các đoàn xe tải ngày đêm nối đuôi nhau ra tiền tuyến, các chú còn phải đi trong bóng đêm theo sự hướng dẫn của các cô thanh niên xung phong để tiến về phía trước trong màn đêm sâu thẳm của rừng hoang. Có hôm trời tối Mĩ phát hiện ra, ta chuyên chở qua rừng, bọn chúng đã thả bom để không cho ta qua, phá vỡ chiếc cầu nối Bắc – Nam. Nhưng đặc biệt hơn cả là đoàn xe vận tải không có kính vì bị "bom giật bom rung kính vỡ đi rồi". Bom đạn trải xuống hàng loạt khiến nào là kính, nào là đèn vỡ, mui xe bẹp, nào là thùng xe xước… Không có đèn vượt qua dãy Trường Sơn đầy nguy hiểm như thế mà các chú vẫn hoàn thành tốt nhiệm vụ đánh Mĩ, chạy dọc Trường Sơn. Chẳng khác nào "châu chấu đá xe", Mĩ với bao nhiêu thiết bị tối tân đế đánh ta nhưng chúng ta đã vượt qua những gian khổ để đánh chúng. Chú còn nhớ trên các cabin những chiếc xe như thế, bọn chú không cỏ vật gì để che chắn cả, gió táp vào mặt mang theo bao nhiêu là bụi. Gió bụi của Trường Sơn làm mắt cay xè, tóc bạc trắng như người già còn mặt thì lấm lem như thằng hề vậy, thế mà không ai cần rửa, phì phèo châm điếu thuốc hút ngang nhiên, ai nấy nhìn nhau rồi cười giòn giã vang khắp dãy Trường Sơn.
Với những ngày nắng là như vậy nhưng đến lúc mưa thì các chú còn khổ hơn nhiều, Trường Sơn mỗi lúc mưa là mưa như trút nước cộng thêm vào đó là những giọt sương muối ở rừng hòa vào dòng nước mưa phả vào da thịt của các chú tê rát cả da mặt, áo thì ướt hết. Lắm lúc lạnh quá các chú phải tì sát vào nhau mà nghĩ thầm: "Vì bảo vệ Tổ quốc phải vượt qua được thiên nhiên thì mới là những người lính của bộ đội Cụ Hồ". Vì những lời nhủ thầm đó mà chú và các đồng đội mới trải qua được sự khắc nghiệt của thiên nhiên, thiên nhiên trong thời kỳ đó lắm lúc cũng là kẻ địch của mình đấy cháu ạ. Thế nhưng các chú vẫn cầm vô lăng lái một cách hăng hái hàng trăm cây số nữa có đâu cần thay người lái, gió lùa rồi quần áo lại khô thôi.
Cháu biết không: Người lính Trường Sơn năm xưa giản dị, đơn sơ lắm. Để trải qua những ngày tháng ấy các chú phải vượt qua biết bao nhiêu gian lao vất vả mà đặc biệt là phải biết vượt qua chính mình, có ý chí chiến đấu cao. Vượt qua những khó khăn như thế con người mới hiểu được sức chịu đựng của mình thật kỳ diệu. Xe không kính cũng là một thú vị vì ta có thể nhìn cả bầu trời, không gian rộng lớn khoáng đạt như ùa vào buồng lái, những ngôi sao đều nhìn thấy và những cánh chim chạy thẳng vào tim. Tâm hồn người chiến sĩ vui phơi phới, thật đúng là:
Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước ,
Mà lòng phơi phới dậy tương lai.
Trên con đường Trường Sơn, mỗi khi các chú gặp nhau thì thông qua cửa kính bắt tay. Đó là sự động viên, truyền thêm sức mạnh cho nhau để vượt qua khó khản. Mỗi khi giữa rừng, bên bếp Hoàng cầm sưởi ấm bao trái tim người chiến sĩ, các chú nghĩ từng chung bát chung đũa tức là một gia đình, là người trong một nhà rồi đấy cháu ạ. Một cử chỉ nhỏ của người chiến sĩ cũng làm cho họ gắn bó thêm, xiết chặt tình đồng đội.
Được nghe chú kể những vất vả ấy tôi thật khâm phục hơn tình đồng chí đồng đội, lòng dũng cảm hiên ngang của người chiến sĩ. Tôi thầm mơ ước trên thế giới không còn chiến tranh để cuộc sống mãi thanh bình.