Trang chủ » Phân tích bài thơ Ngắm trăng của Hồ Chí Minh lớp 8 hay nhất

Phân tích bài thơ Ngắm trăng của Hồ Chí Minh lớp 8 hay nhất

Bài làm 1
 
Tác giả Hồ Chí Minh là một nhà văn, nhà thơ đồng thời cũng là một nhà chính trị, cách mạng lỗi lạc của dân tộc Việt Nam. Ông đã để lại nhiều tác phẩm hay gây được tiếng vang lớn trong nền thi ca nước ta.
 
Bài thơ “Ngắm trăng” lấy nguồn cảm hứng từ ánh trăng đêm, trong sáng là đề tài được nhiều tác giả sử dụng, nhưng trong bài thơ của Hồ Chí Minh. Trăng không chỉ là hình ảnh thiên nhiên tươi đẹp, mà nó còn là người bạn thân tri kỷ.
 
Tác giả Hồ Chí Minh viết bài thơ này trong hoàn cảnh vô cùng đặc biệt khi tác giả đang bị giam cầm bởi nhà tù của Tưởng Giới Thạch. Mặc dù, trong hoàn cảnh tù đày nhưng tâm hồn của tác giả vẫn vô cùng tự do, phóng khoáng thể hiện tinh thần lạc quan, yêu đời của tác giả.
 
“Ngục trung vô tửu diệc vô hoa
Đối thử lương tiêu nại nhược hà? ”
(Trong tù không rượu cũng không hoa
Cảnh đẹp đêm nay khó hững hờ).
 
Câu thơ thể hiện tình cảnh thực tại nhiều khó khăn, khắc nghiệt, khi người chiến sĩ bị cầm tù. Hình ảnh không rượu, không hoa, không có gì để lãng mạn trữ tình như những nhà thơ xưa thường dùng rượu và hoa để mà ngâm thơ. Nhưng tác giả Hồ Chí Minh thì đang trong hoàn cảnh bị ngược đãi về thể xác, chịu cảnh tù đày thì làm sao phong lưu uống rượu, ngắm hoa, thưởng trăng như người xưa được.
 
Tuy nhiên dù thân thể có chịu giam cầm, không có những chất xúc tác để có thể phong hoa bướm nguyệt nhưng tác giả vẫn cảm nhận được vẻ đẹp của thiên nhiên hoang dã. Cảnh buổi đẹp với ánh trăng soi sáng, vằng vặc, chung thủy vẹn nguyên khiến cho tác giả không thể nào bỏ qua được.
 
“Khó hững hờ” thể hiện cái đẹp của ánh trăng của thiên nhiên đã làm tác giả động lòng không thể nào làm ngơ.
 
“Nhân hướng song tiền khán minh nguyệt
Nguyệt tòng song khích khán thi gia
( Người ngắm trăng soi ngoài cửa sổ,
Trăng nhòm khe cửa ngắm nhà thơ).
 
hai câu thơ này, thể hiện sự hòa hợp về tâm hồn của tác giả và ánh trăng. Họ như hai người bạn thân lâu ngày gặp lại nhìn thấy nhau vui mừng khôn xiết, trong đôi mắt như đang rưng rưng nhạt nhòa xúc động.
 
Trăng đã được tác giả sử dụng biện pháp nhân cách hóa để trở thành một con người. Một người bạn thân, đang nhìn ngắm người thân thương của mình một cách say đắm.
 
Tác giả nhìn ánh trăng ngây thơ, hồn nhiên, trong veo thánh thiện như thủa nào. Lòng tác giả chợt trào dâng niềm xúc động mạnh mẽ, ước muốn tự do được trở về quê hương đất nước dâng lên mãnh liệt.
 
Xuyên suốt bài thơ là sự im lặng tuyệt đối của con người và thiên nhiên. Trong cái mênh mông bao la đó chỉ có con người và ánh trăng đang ngắm nhìn nhau. Tuy cả hai không nói điều gì những trái tim đã nói hộ ngàn lời muốn nói.
 
Bài làm 2
 
Mở đầu tập nhật ký trong tù, Hồ Chí Minh có viết như một lời tâm sự:
 
Ngâm thơ ta vốn không ham
 
Nhưng vì trong ngục biết làm chi đây
 
Ngày dài ngâm ngợi cho khuây
 
Càng ngâm càng đợi đến ngày tự do
 
Thơ đối với Người, thành nỗi giải khuây nhưng với người đọc, bắt gặp bất cứ một bài thơ nào cũng thấy hiện lên trong đó tâm hồn của một thi sĩ, một chiến sĩ, người luôn hướng ra ánh sáng. “Ngắm trăng” là một bài thơ như thế.
 
Nhan đề bài thơ là “Vọng nguyệt”, đó là đề tài phổ biến trong thi ca, cũng trở thành thi hứng cho biết bao tác giả, trăng là bạn tri ân để dốc bầu tâm sự. Gặp ánh trăng, thơ Bác cũng tự nhiên như thiên nhiên vậy:
 
Ngục trung vô tử diệc vô hoa
 
(Trong tù không rượu cũng không hoa)
 
Lẽ thường, nhà thơ gặp trăng đẹp thường đem rượu uống, đem hoa ra ngắm. Bởi có rượu, có hoa thì trăng trở nên thi vị và con người cũng trở nên không cô đơn dưới đêm trăng ấy. Nhưng câu mở đầu bài thơ, Hồ Chí Minh như kể tự nhiên chứ không hề kêu ca về hoàn cảnh. Một con người đang bị giam cầm, mất tự do “ngục trung” nên “vô tửu, vô hoa” là điều tất yếu. từ “diệc” làm cho sự thiếu thốn tăng lên. Nhưng chúng ta vẫn thấy giọng thơ của Bác không hề bực bội vì thiếu thốn mà hết sức bình thản đón nhận nó. Đến câu thơ thứ hai, vẫn giữ nét tự nhiên, vần thơ trở thành câu hỏi:
 
Đối thử lương tiêu nại nhược hà?
 
(Cảnh đẹp đêm nay khó hững hờ)
 
Câu thơ nhịp nhàng bởi sự hòa trộn của các vần bằng- trắc đều đặn, có cái bối rồi, xốn xang rất nghệ sĩ. Trước cảnh đẹp đêm trăng, tâm hồn nghệ sĩ yêu say đắm thiên nhiên, ắt hẳn cũng muốn thưởng trăng đầy đủ, nhưng trong tù thì không thể có, nên người tiếc nhưng không để cảnh đẹp ấy trôi qua vô ích, vì thế có cái bối rối: Làm thế nào có thể hững hờ trước cảnh đẹp? Nhưng cũng có thể đó là lời khẳng định nhẹ nhàng: Không thể hững hờ trước cảnh đẹp dù có thiếu thốn. Chính thực tế thiếu thốn gặp một tâm hồn yêu thiên nhiên, say đắm trước thiên nhiên đã tạo ra cách hỏi hóm hỉnh như một cái cười rất tinh tế của Hồ Chí Minh. Tình yêu thiên nhiên đã giúp Bác chiến thắng hoàn cảnh:
 
Nhân hướng song tiền khán minh nguyệt
 
Nguyệt tong song khích khan thi gia
 
(Người ngắm trăng soi ngoài cửa sổ
 
Trăng nhòm khe cửa ngắm nhà thơ)
 
Rượu, hoa đã thiếu nhưng dường như chính tâm hồn nhà thơ đã đủ cho một bữa tiệc thưởng trăng. Nhân- nguyệt, Nguyệt- Thi gia có “song” chắn ở giữa nhưng có lẽ ngục tù không thể thắng nổi mối tương giao giữa người ngắm trăng và trăng tìm đến người. Song sắt hiện lên thô bạo, vô tình nhưng bất lực bởi trăng và Người vẫn gặp nhau vô cùng tự do, tinh tế. Trước cuộc ngắm trăng, Bác là người tù, tìm được trăng nhưng cuối cuộc trăng, người tù ấy trở thành “thi gia”- nhà thơ. Có người nhận xét: đây là một cuộc vượt ngục tinh thần, quả không sai. Bị giam cầm trong tù ngục nhưng tâm hồn Bác lại luôn hướng đến ánh sáng, hướng đến thiên nhiên.
 
Cuộc ngắm trăng của Bác diễn ra qua bốn dòng thơ ngắn gọn mà thấy được cái hồn hòa nhập vào thiên nhiên, quyến luyến, gắn bó với thiên nhiên của một vị lãnh tụ. Với Bác, bất cứ ai ngắm trăng thì cũng được trăng ngắm lại, vẻ đẹp của con người cũng đủ sức làm say đắm vầng trăng. Điều đó không chỉ khẳng định cái hay, mới lạ trong bút pháp mà còn thấy được sự nét tinh tế hiện đại của Người khi tìm đến một thi liệu đã quen thuộc trong cổ điển.
 
Dù trong hoàn cảnh nào Bác vẫn luôn dành cho thiên nhiên một chỗ đứng vững trãi. Có khi thiên nhiên để khỏa lấp sự cô đơn, có thiên nhiên báo hiệu niềm vui chiến thắng, có khi thiên nhiên để dốc bầu tâm sự nhưng cũng có khi thiên nhiên chở nặng khao khát được tự do, chở nặng một tâm hồn muốn hướng ra ánh sáng. “Ngắm trăng’ là bài thơ khẳng định tâm hồn, cốt cách của một thi sĩ, sự thanh cao của vị lãnh tụ trong hoàn cảnh tăm tối, ngục tù.
 
Bài làm 3
 
Khi nhắc tới trăng, ta thường hình dung hình ảnh ánh sáng xanh dịu mát xuất hiện vào buổi đêm những khi trời đẹp. Từ bao đời, trăng đã trở thành nguồn cảm hứng bất tận của nhiều thi sĩ. Bác Hồ của chúng ta cũng là một người sáng tác nhiều bài thơ về trăng. Suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của Bác, trăng luôn là người bạn tâm giao, tri âm, tri kỉ. Bài thơ “Ngắm trăng” được Bác viết trong hoàn cảnh đặc biệt giữa chốn lao tù tăm tối của chế độ Tưởng Giới Thạch.
 
Mở đầu bài thơ, Bác đã tả thực cảnh lao tù khắc nghiệt, thiếu thốn:
 
Trong tù không rượu cũng không hoa
Chốn lao tù, những thứ bình dân cũng không có, không có rượu và hoa để thi sĩ vừa nhâm nhi chén rượu, vừa ngắm hoa khơi nguồn cảm hứng sáng tác. Uống rượu, ngắm trăng với một tâm hồn thư thái chắc chắn sẽ ra được những vần thơ hay với các thi sĩ. Nhưng ở đây, trong phòng giam lạnh lẽo, thì rượu và hoa ấy là cái gì đó rất xa xỉ, không thể có. Hiện thực nhà tù thật lạnh lẽo, u ám.
 
Thế nhưng, trong hoàn cảnh tay bị xích, chân bị cùm, tâm hồn yêu cuộc sống, yêu thiên nhiên của Bác vẫn tự do, tự tại, cảm hứng vẫn dạt dào:
 
Cảnh đẹp đêm nay khó hững hờ
 
Bác đã đối lập cảnh lao tù thiếu thốn với cảm xúc, với những xao động trước cảnh đẹp. Tưởng như có một sự mâu thuẫn ở đây. Đúng là mâu thuẫn giữa hoàn cảnh với tâm trạng con người nhưng chính sự mâu thuẫn ấy cho thấy tình yêu cuộc sống tự do của Bác thật bao la. Mặc dù thân thể bị đọa đày nhưng tâm hồn Bác luôn tự do, khoáng đạt. Cảnh đẹp buổi đêm khiến lòng người mê hoặc, không thể cưỡng lại được, đẹp đến “khó hững hờ” ấy chính là ánh trăng, trăng cùng Bác bầu bạn, trăng cùng Bác giao hòa:
 
Người ngắm trăng soi ngoài cửa sổ
 
Trăng nhòm khe cửa ngắm nhà thơ
 
Loading…
Bác ngắm ánh trăng thanh khiết trên cao vời vợi, ngắm ánh trăng qua khe cửa sổ nhà lao với nguồn cảm hứng dạt dào, đến mức muốn cất lên thành thơ. Bác lúc này là một chiến sĩ cách mạng bị quân Tưởng Giới Thạch bắt và giam cầm, Bác không khi nào cho mình là nhà thơ mà chỉ với trăng Bác mới tự gọi mình là nhà thơ một cách hóm hỉnh như thế. Xiềng xích của nhà tù chỉ trói buộc được thân thể Bác chứ không thể trói buộc được tâm hồn, trái tim Bác. Tâm hồn ấy, trái tim ấy đã thuộc về nhân dân, đất nước Việt Nam.
 
Bác một mình lặng lẽ, say mê, thả hồn mình vào ánh trăng ngoài cửa sổ. Phòng giam chật hẹp không giam được cảm xúc của Bác. Qua trăng, Bác giao hòa với thiên nhiên, đất trời. Bác như cảm nhận rất rõ cái tình giữa Bác và trăng. Trăng đã được nhân hóa, trăng thân thiết, trăng lay động trước tấm chân tình của Bác, trăng “nhòm” xuống khe cửa để ngắm Bác. Sự hiện diện của ánh trăng đẹp dường như muốn xóa tan hiện thực tối tăm của nhà tù, nhường chỗ cho cảm xúc của con người thăng hoa, bay bổng cùng với thiên nhiên vĩnh cửu. Ngục tù không làm cho Bác chùn bước, tình yêu cuộc sống, yêu tự do, lạc quan trước khó khăn của Bác luôn cháy bỏng. Bác gửi gắm những khát vọng tự do vào trong ánh trăng thanh. Từ trong ngục tối, Bác luôn hướng cái nhìn, hướng suy nghĩ của mình tới cuộc sống tự do nhân loại.
 
Bài thơ ngắn này của Bác nếu bỏ đi câu đầu tiên chắc chắn không ai nghĩ rằng bài thơ được viết sau song sắt nhà tù. Bác Hồ kính yêu của chúng ta là vậy. Dù trong bất kì hoàn cảnh nào, người cũng luôn lạc quan, yêu đời, yêu thiên nhiên, yêu cuộc sống tự do. Tình yêu ấy khiến cho tâm hồn Bác luôn thanh cao, luôn hướng về cái đẹp của cuộc sống. Sự tĩnh lặng của một đêm trăng thanh qua bài thơ làm nổi bật lên cái sâu thẳm trong tâm hồn Bác. Tâm hồn ấy luôn trong sáng, dịu mát, cao vời vợi như ánh trăng. Đó là tâm hồn của người chiến sĩ cộng sản lỗi lạc mà cuộc đời Người là bài học lớn về tư tưởng, đạo đức và phong cách cho lớp lớp con cháu của Người.
 

Leave a Comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Scroll to Top