Trang chủ » Phân tích bài thơ Tức cảnh Pác Bó lớp 8 hay nhất

Phân tích bài thơ Tức cảnh Pác Bó lớp 8 hay nhất

Bài làm 1
 
Sau 30 năm bôn ba hải ngoại tìm đường cứu nước, đầu năm 1941, chủ tịch Hồ Chí Minh bí mật về tới Pác Bó, Cao Bằng. Giây phút thiêng liêng và cảm động ấy đã được nhà thơ Tố Hữu ghi lại:
 
Ôi sáng xuân nay, xuân 41
 
Trắng rừng biên giới nở hoa mơ
 
Bác về…. Im lặng. Con chim hót
 
Thánh thót bờ lau, vui ngẩn ngơ…
 
(Theo chân Bác)
 
Từ đó hang Pác Bó đã trở thành nơi sống và hoạt động bí mật của Người. Bài thơ Tức cảnh Pác Bó được Bác Hồ viết vào tháng 2 năm 1941 theo thể thất ngôn tứ tuyệt Đường luật:
 
Sáng ra bờ suối, tối vào hang,
 
Cháo bẹ rau măng vẫn sẵn sàng.
 
Bàn đá chông chênh dịch sử Đảng,
 
Cuộc đời cách mạng thật là sang!
 
Bài thơ phản ánh hoạt động phong phú, sôi nổi, phong thái ung dung tự tại và tinh thần lạc quan cách mạng của người chiến sĩ vĩ đại trong hoàn cảnh khó khăn gian khổ.
 
Câu thơ mở đầu gợi lên cuộc sống hoạt động bí mật của nhà thơ vào những ngày đầu mới về nước. Hai vế tiểu đối đầy ấn tượng:
 
Sáng ra bờ suối / / tối vào hang.
 
Câu thơ có thời gian, không gian và hành động. Thời gian là sáng và tối; không gian là suối và hang; hoạt động là ra và vào. Một hoạt động đã trở thành nề nếp, từ sáng đến tối, từ suối đến hang, ra đến vào. Khi cách mạng còn trứng nước, hoạt động chính trị gây dựng phong trào là chính, còn bí mật và nhiều khó khăn, người chiến sĩ vĩ đại của dân tộc đã sống và làm việc: Sáng ra bờ suối, tối vào hang. Quy luật vận động ấy thể hiện một tinh thần làm chủ hoàn cảnh rất chủ động và lạc quan.
 
Câu thơ thứ hai, ba chữ vẫn sẵn sàng có hai cách hiểu khác nhau rất lí thú. Cách hiểu thứ nhất là: Cháo bẹ rau măng nhưng sẵn có, đủ dùng ở nơi suối hang này. Đằng sau vần thơ là nụ cười của một con người sống trong gian khổ khó khăn nhưng vẫn lạc quan yêu đời. Sau này, ý thưởng giàu có hào phóng ấy, được Người nhắc lại trong bài Cảnh rừng Việt Bắc đầu xuân 1947.
 
Khách đến thì mời ngô nếp nướng,
 
Săn về thường chén thịt rừng quay.
 
Non xanh nước biếc tha hồ dạo,
 
Rượu ngọt, chè tươi mặc sức say…
 
Vẫn sẵn sàng, tha hồ dạo, mặc sức say,… là những cách nói hóm hỉnh và yêu đời.
 
Cách hiểu thứ hai: Mặc dù thiếu thốn khó khăn, phải ăn cháo bẹ rau măng, nhưng tinh thần cách mạng vẫn hăng say, vẫn nhiệt tình. Gian khổ biết bao, nhưng với tinh thần vẫn săn sàng, Người vẫn bền bỉ sáng niềm tin nhóm lửa:
 
Ai hay ngọn lửa trong hang núi
 
Mà sáng muôn lòng, vạn kiếp sau!.
 
(Theo chân Bác)
 
Khác với người xưa công thành, thân thoái, mai danh ẩn tích ở chốn núi rừng, Hồ Chí Minh đã sống và chiến đấu vì một lí tưởng cao đẹp.
 
Bàn đá chông chênh dịch sử Đảng.
 
Đất nước cần, Bác viết Đường cách mệnh. Phong trào và cán bộ cần, Người dịch sử Đảng. Hình ảnh bàn đá chông chênh không chỉ nói lên khó khăn thiếu thốn chồng chất mà con biểu lộ tinh thần phấn đấu hi sinh vì sự thắng lợi của cách mạng.
 
Câu cuối bài thơ đọc lên nghe rết thú vị. Một câu cảm thán vang xa:
 
Cuộc đời cách mạng thật là sang!
 
Sang nghĩa là sang trọng, cao sang. Một cách nói, một lối sống, một quan niêm nhân sinh và ứng xử tuyệt đẹp. Vượt lên trên gian khổ, khắc nghiệt là sang. Chỉ có cháo bẹ rau măng, chỉ có bàn đá chông chênh mà vẫn sang. Sang vì lạc quan tin tưởng về con đường cách mạng đánh Nhật đuổi Tây nhất định thắng lợi. Sang vì lí tưởng, vì đời sống tâm hồn phong phú, vì ung dung tự tại. Nhà thơ Tố Hữu đã có vần thơ rất hay nói về cái sang của Bác Hồ kính yêu:
 
Mong manh áo vải hồn muôn trượng,
 
Hơn tượng đồng phơi những lối mòn.
 
(Bác ơi)
 
Tức cảnh Pác Bó là một bài thơ hồn nhiên, giản dị mà sâu sắc, đẹp. Thơ là tâm hồn, là cuộc đời, là cách ứng xử của Bác Hồ. Bài tứ tuyệt viết về Pác Bó đã vượt qua một hành trình 60 năm. Nó như một chứng tích lịch sử về những ngày tháng gian khổ của cách mạng Việt Nam và của lãnh tụ nơi suối lạnh hang sâu đầu nguồn. Nó gợi lên trong lòng mỗi chúng ta bài học về tinh thân lạc quan yêu đời, biết sống và hướng về một lí tưởng cao đẹp.
 
Bài làm 2
 
Tháng 2 năm 1941, sau ba mươi năm bôn ba hoạt động cách mạng ở nước ngoài tìm đường giải phóng dân tộc, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh trở về nước, trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng trong nước. Người sống và làm việc trong những điều kiện hết sức gian khổ.
 
Mùa xuân, trời vẫn còn rét, Bác đã ngoài năm mươi tuổi mà phải sống trong một cái hang rất nhỏ, muốn ra vào phải trèo lên chui xuống, tăm tối và ẩm ướt được gọi là hang Cốc Bó, thuộc thôn Pác Bó, huyện Hà Quang, tỉnh Cao Bằng. Đời sống vật chất rất kham khổ, thỉnh thoảng mới được ăn cơm, còn toàn cháo ngô, rau măng … Hàng ngày, Bác từ hang xuống bờ suối làm việc ở một chiếc bàn đá thiên tạo gồm những viên đá chồng lên nhau trông giống một cái bàn. Không chỉ lãnh đạo cách mạng chung, Bác còn phải trực tiếp tham gia biên soạn tài liệu huấn luyện cán bộ. Một trong những tài liệu ấy là cuốn Lịch sử Đảng Cộng sản Liên Xô mà Bác dịch từ tiếng Pháp sang tiếng Việt. Thời kỳ này, cách mạng Việt Nam đang ở giai
đoạn chuẩn bị lực lượng, chờ thời cơ lớn để giành độc lập tự do cho đất nước
Với một tinh thần lạc quan, một nụ cười hóm hỉnh, tươi vui, Bác Hồ đã làm thơ về những ngày gian khổ đó với những cảm xúc giản dị, ngôn ngữ, hình ảnh mộc mạc, gần gũi:
 
Sáng ra bờ suối, tối vào hang,
Cháo bẹ rau măng vẫn sẵn sàng.
Bàn đá chông chênh dịch sử Đảng,
Cuộc đời cách mạng thật là sang.
 
Với hai câu thơ đầu, một không gian, thời gian được mở ra. Câu thơ tả sự đi lại, sinh hoạt hàng ngày của Bác ở Pác Bó, một cuộc sống không chỉ cần giữ bí mật mà còn rất vất vả, ở thì ở hang, làm việc thì bêa suối. Lời thời cân đối, đều đặn: sáng tối, ra, vào, ra suối, vào hang: Sự đều đặn dó thể hiện một nếp sông, một thói quen trong một hoàn cảnh đặc biệt.
 
Cháo bẹ rau măng vẫn sẵn sàng
 
Cháo bẹ là cháo ngô, rau măng là loại măng rừng dùng làm thức ăn. Thật đạm bạc, sơ sài. vẫn sẵn sàng: có thể hiểu là cháo bẹ rau măng lúc nào cùng đủ đầy, cần là có ngay, hoặc: dù cháo bẹ rau măng (ý nói gian khổ) nhưng tình thần cách mạng vẫn luôn sẵn sàng. Câu thơ toát lên niềm lạc quan với nụ cười hồn nhiên vượt lên trên gian khổ, khó khăn.
 
Có một phong vị cổ điển truyền thống ẩn sau nụ cười hồn nhiên đó. Nghệ thuật trào lộng để cười cợt khinh khi những thiếu thốn về vật chất đã từng có trong thơ cổ khi Nguyễn Khuyên viết:
 
Đã bấy lâu nay bác tới nhà 
Trẻ thời đi vắng, chợ thời xa
Ao sâu nước cả, khôn chài cá 
Vườn rộng rào thưa, khó đuổi gà.
 
Hay khi Nguyễn Bỉnh Khiêm tự hào về cuộc sống vật chất đơn sơ, giản dị:
 
Thu ăn măng trúc, đông ăn giá 
Xuân tắm hồ sen, hạ tắm ao
 
Nụ cười vượt lên trên gian khổ ấy là nét truyền thống lạc đạo vong bần của không ít nhân sĩ bao đời, những con người có tâm hồn thẳng ngay, trong sạch, tự nguyện rời bỏ thế sự, quay lưng lại chốn công danh đầy rẫy xấu xa trở về với thiên nhiên, cây cỏ, ruộng đồng, để giữ trọn tấm lòng thanh cao của mình. Từ chối cái sang giàu mà nhơ bẩn để lấy cái nghèo túng mà trong sạch, hay nói cách khác, đổi cái giàu về vật chất để lấy cái cao sang về đạo lí, tinh thần. Chính cái cao sang về tinh thần đã khiến người xưa ngạo nghễ, khinh thường cái nghèo về vật chất.
 
Không rời xa truyền thống đó, Bác Hồ của ta vui với cái nghèo của cuộc đời cách mạng, bởi cuộc sống vật chất hiện tại của Bác, có đơn sơ, khó khăn đến mấy nhưng cuộc sống tinh thần lại là cuộc sống lí tưởng, cuộc sống vì tương lai dân tộc, một lí tưởng cao đẹp khiến con người có thể bất chấp vui đùa với gian khổ, khó khăn.
 
Nhưng, dường như hai câu đầu của bài thơ không chỉ ẩn nụ cười với gian khổ mà còn bộc lộ một niềm vui sâu kín, hòa mình với cảnh thiên nhiên phóng khoáng trong một phong thái ung dung, nhàn nhã, tự chủ. Hai câu thơ vừa mang hàm nghĩa thực nhưng tự nhiên còn chứa đựng một ý nghĩa vượt lên trên cái cụ thể: có vẻ đây như là cảnh sống của một kẻ du nhàn chốn rừng núi, đang vui thú với lâm tuyền. Mà đâu phải Bác Hồ chỉ viết một lần về điều đó:
 
Cảnh rừng Việt Bắc thật là hay 
Vượn hú chim kêu suốt cả ngày 
Khách đến thì mời ngô nếp nướng 
Săn về thường chén thịt rừng quay …
Xem sách chim rừng vào cửa đậu 
Phê hoa văn núi chiếu nghiêng soi …
 
Sự hòa hợp gần gũi với thiên nhiên, với một đời sống giản dị, thanh sạch lại là một nét đặc thù làm tâm hồn phong phú của Bác. Bởi Bác Hồ đã từng khẳng định: ‘kBác chỉ có một ham muốn là nước nhà độc lập, đồng bào ấm no, còn thích thú riêng của Bác thì chỉ muốn một gian nhà cỏ, cuốc vườn, câu cá”.
 
Người và cảnh hòa hợp tạo nên một nhịp điệu sinh hoạt đều đặn. Từ sự đều đặn ấy toát lên một phong thái tự chủ khiến ta cứ nghĩ Bác sống nơi đây như một khách du nhàn, như một nhà hiền triết, một vị đạo sĩ, một tiên ông ẩn dật nào đó, sáng ra bờ suối hái thuốc, đánh cờ, giảng đạo, chiều lại về hang động tu luyện vậy.
Rồi hình ảnh chiếc bàn đá chông chênh nữa. Nó như là một chi tiết cụ thể làm phong phú thêm khung cảnh chốn thiên nhiên, rừng suối, nơi con người sống, làm việc hòa vào thiên nhiên, nơi con người như nhập hẳn vào thiên nhiên rũ hết bụi trần, chẵng khác gì cái thạch bàn rêu phong của Nguyền Trãi:
 
Côn Sơn suối chảy rì rầm – Ta nghe như tiếng đàn cầm bẽn tai
Côn Sơn có đá rêu phơi Ta ngồi trên đá như ngồi chiếu êm.
 
Nhưng Bác Hồ giống mà lại khác Nguyễn Trãi và các bậc dĩ nhân. Giống ' như ở' phong thái ung dung, ở tư cách tiên phong đạo cốt, ở niềm vui thú sống hòa với thiên nhiên, ở sự vượt lên coi thường gian khổ. Khác ở chỗ người xưa lui về chốn lâm tuyền là để lánh xa cõi đời nhơ bẩn, là sự quay lưng với hiện thực, dù sao cũng mang ít nhiều khí vị thoát ly, còn Bác là người cách mạng (người đang tập hợp lực lượng để chống đế quốc phong kiến, giành độc lập tự do cho dân tộc, đem lại hạnh phúc cho nhân dân), việc ở chốn núi rừng hoàn toàn do điều kiện hoạt động bí mật tạo nên, dù có ở núi rừng nhưng vẫn là đang dấn thân vào hiện thực xã hội, bởi làm cách mạng là tiến hành công cuộc cải tạo xã hội tích cực nhất.
 
Chính vì vậy, từ khung cảnh rừng suối, từ cảnh rau cháo đơn sơ như của kẻ đang ẩn dật, vui những thú vui xa đời, thoát tục, ý thơ vụt đưa con người sang đời sống hoạt động cách mạng. Bác Hồ đâu phải là ẩn sĩ mà là một chiến sĩ. Bàn đá chông chênh dịch sử Đảng – Câu thơ khắc họa một dáng tạo hình: Bàn đá chông chênh. Ai đã từng đến thăm Pác Bó, sẽ thấy chiếc bàn đá gồm nhiều viên đá ghép lại này bên bờ suối Lê-nin, là nơi Bác thường làm việc. Lúc này, Bác đang dịch cuốn sử Đảng Lịch sử Đảng cộng sản Liên Xô làm tài liệu huấn luyện cán bộ cách mạng Việt Nam. Hai ý trái ngược được đặt bên nhau: Hình ảnh bàn đá chông chênh tạo một thế không ổn định, không vững vàng, còn nhóm từ dịch sử Đảng lại gồm những thanh trắc, mạnh, trầm như rắn đúc lại, chắc như một lời tuyên bố đanh thép. Nghệ thuật đối chọi hình ảnh, âm điệu này rất có công hiệu trong việc thể hiện bản lĩnh tự chủ, tin tưởng vào mình của con người.
Câu thơ cuối là một lời kết thúc vui tươi, hóm hỉnh:
 
Cuộc đời cách mạng thật là sang
 
Hóa ra, cuộc đời được trình bày ở trên đã được tổng kết lại: cuộc đời cách mạng, một cuộc đời phải sống trong bí mật, chịu đựng gian khổ, thiếu thốn vô ngần, nhưng khi con người đã sống vì một lí tưởng cao đẹp thì cuộc đời ấy vẫn mang một phong vị đặc biệt: thật là sang. Từ sang vừa có nghĩa là sang trọng, giàu có, vừa có ý nghĩa diễn tả một phong thái vượt lên trên vật chất tấm thường để vươn tới một đời sống tinh thần cao cả đậm phong vị truyền thông. Bởi lẽ, Bác là người hơn ai hết hiểu gian khổ, thiếu thốn, nghèo nàn là hiện tại, còn sang giàu là tương lai, hay nói đúng hơn nghèo là điều kiện vật chất hôm nay còn sang chính là xu thế tất thắng của cách mạng ngày mai.
 
Bài thơ là nụ cười hóm hỉnh, tươi vui, trong sáng của người chiến sĩ cách mạng, người biết rõ mục đích, chí lớn của đời mình, là nụ cười vui trên gian khổ, coi cái vất vả, gian lao của đời sống cách mạng như đời sống nhàn nhã, ung dung của khách lâm tuyền. Ấy chính là phong thái đặc biệt khó quên của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
 
Bài làm 3
 
 
Mảnh đất Cao Bằng, nơi có núi, rừng, sông, suối trải dài hùng vĩ bao la, trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp, phát xít Nhật đã được Bác Hồ và Trung ương Đảng ta đã chọn làm căn cứ địa cách mạng. Trở về nước sau 30 năm bôn ba khắp năm châu bốn biển để tìm đường cứu nước, Bác đã đặt chân lên mảnh đất Cao Bằng. Bác sống ở hang Pác Bó trong điều kiện sinh hoạt hết sức kham khổ nhưng Bác vẫn luôn vui vẻ. Sau bao năm xa nước nhà, nay được sống và trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng trong nước khiến cho lòng Bác thấy vui. Tại đây, trong niềm vui được cống hiến cho công cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, Bác đã bộc lộ cảm xúc yêu thương, sự lạc quan tin tưởng vào thắng lợi cách mạng của mình vào bài thơ: “Tức cảnh Pác Bó”.
 
Bài thơ rất ngắn, chỉ có bốn câu nhưng đã toát lên cảm giác vui thích, thoải mái qua giọng đùa vui hóm hỉnh của Bác.
Mở đầu bài thơ là tinh thần phấn khởi khi làm những công việc hàng ngày, gắn với địa bàn hoạt động:
 
Sáng ra bờ suối, tối vào hang
 
Câu thơ được ngắt nhịp 4/3 tạo nên sự nhịp nhàng, nề nếp trong sinh hoạt của Bác. Những ngày ở đây là ngày nào cũng đều đặn như vậy, gợi cho ta cảm giác Bác Hồ đã sống thật ung dung hòa hợp với thiên nhiên, với núi rừng.
 
Câu thơ thứ hai mô tả thức ăn hàng ngày như một nét vui đùa:
 
Cháo bẹ rau măng vẫn sẵn sàng
 
Ở nơi đây, sống giữa rừng núi đại ngàn, cháo bẹ, rau măng là món phổ biến thân thuộc của đồng bào, đồng bào ăn gì, người chiến sĩ cách mạng ăn nấy, không phải là cao lương, mĩ vị nhưng là tấm lòng của đồng bào lúc nào cũng sẵn sàng cùng chia sẻ với người của cách mạng. Con người giản dị của Bác không đòi hỏi gì cao sang. Với Bác dường như trong hoàn cảnh của đất nước, vật chất như thế là đã đủ, vẫn có một tâm thế thoải mái để làm việc:
 
Bàn đá chông chênh dịch sử Đảng
 
Từ láy “chông chênh” gợi hình ảnh Bác ngồi ngay cạnh dòng suối, bàn được chọn từ tảng đá nhẵn nhất, nhưng vì là “bàn” của tạo hóa nên vẫn chông chênh. Trong điều kiện làm việc như thế ta thấy Bác bình thường, giản dị mà phi thường biết bao. Bác ngồi đó ung dung, tự tại, vạch đường chỉ lối cho cách mạng Việt Nam. 
 
Cả ba câu thơ đầu thuật tả cảnh sinh hoạt vật chất giúp chúng ta hình dung ra điều kiện ăn ở, sinh hoạt làm việc của Bác trong những ngày ở Pác Bó. Tất cả đều đơn sơ, giản dị, mộc mạc nhưng vẫn toát lên sự nhẹ nhàng, thư thái, sảng khoái trong tâm hồn Bác. Thiên nhiên hiện lên trong thơ Bác thật gần gũi, thân thiết. Bác với thiên nhiên như hòa hợp làm một. Hình tượng Bác ngồi bên suối dịch sử Đảng vừa thực lại như là một huyền thoại của đất nước, dân tộc. Bác lúc nào cũng đau đáu một nỗi niềm lo cho đất nước độc lập, nhân dân được hạnh phúc, ấm no. Hình tượng ấy nổi bật giữa khung cảnh núi non kì vĩ, nơi chính Người đã cùng cả dân tộc viết lên trang sử “đầu nguồn”. Hình tượng ấy thuộc về lịch sử Việt Nam, đi vào lịch sử Việt Nam, khắc vào trái tim của hàng triệu người con Việt Nam. Tâm tư của Bác, tâm thế của Bác, tình yêu quê hương đất nước của Bác khiến chúng ta đồng cảm với Bác trước khẳng định:
 
Cuộc đời cách mạng thật là sang
 
Cái “sang” ở đây không phải là sang trọng về vật chất đủ đầy. Cái sang của con người biết làm chủ thiên nhiên, biết bắt thiên nhiên phục vụ mình. Và cái “sang” ở đây được cảm nhận từ tình yêu thiên nhiên vô bờ bến của Bác.
 
Thơ của Bác giản dị như cuộc đời Bác vậy. Mỗi bài thơ là mỗi chặng đường cách mạng của Bác nên luôn mang hình ảnh non sông, đất nước. Lời thơ hàm chứa những ý nghĩa sâu xa, mang tầm tư tưởng lớn, càng đọc càng thấy toát lên tình yêu quê hương, đất nước hòa quyện trong tình yêu thiên nhiên cùng với tinh thần lạc quan tin tưởng vào thắng lợi cách mạng của Bác. Bài thơ Tức cảnh Pác Bó là một trong những bài thơ toát lên thần thái đó của Bác.
 

Leave a Comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Scroll to Top