Hãy kể một câu chuyện mà em đã được nghe hoặc được đọc về một người có nghị lực.
Lời giải chi tiết
Gợi ý
1. Nhớ lại những truyện em đã học về người có nghị lực:
– Trong cách mạng và chiến đấu: Bác Hồ bất chấp mọi khó khăn, nguy hiểm, quyết tâm ra đi tìm đường cứu nước (Hai bàn tay).
– Trong lao động: Bạch Thái Bưởi từ một cậu bé nghèo, mồ côi cha trở thành "vua tàu thủy" ("Vua tàu thủy" Bạch Thái Bưởi); Đặng Văn Ngữ không quản ngại gian khổ, hi sinh, phục vụ kháng chiến (Người trí thức yêu nước – Tiếng Việt 3, tập hai) ; Lương Định Của tạo giống lúa mới (Nâng niu từng hạt giống – Tiếng Việt 3, tập hai ).
– Trong học tập: truyện Có công mài sắt, có ngày nên kim (Tiếng Việt 2, tập một), gương vượt khó của những học sinh có hoàn cảnh khó khăn (Nguyễn Hiền, ông Trạng Nồi) hay những học sinh khuyết tật (Nguyễn Ngọc Ký).
– Trong những lĩnh vực khác: Ngu Công với quyết tâm dời núi; vận động viên đua xe đạp Am-xtơ-rông bị ung thư, sau khi mổ vẫn kiên trì luyện tập, nhiều lần đoạt giải vô địch Vòng đua nước Pháp (Tiếng Việt 3, tập hai).
2. Tìm trong sách báo những truyện tương tự các truyện đã học:
– Truyện về gương người tốt xưa và nay, truyện về các anh hùng danh nhân.
– Sách Truyện đọc lớp 4.
– Các truyện hoặc tin tức đăng trên các báo thiếu nhi (Nhi đồng, Thiếu niên Tiền phong, Mực tím, Hoa học trò,..).
3. Kể chuyện trong nhóm, lớp:
– Giới thiệu câu chuyện:
+ Nêu tên câu chuyện.
+ Nêu tên các nhân vật trong câu chuyện.
– Kể chuyện:
+ Mở đầu câu chuyện.
+ Diễn biến câu chuyện (nêu các sự việc theo đúng thứ tự).
+ Kết thúc câu chuyện.
4. Trao đổi với các bạn về ý nghĩa của câu chuyện.
Trả lời:
Câu chuyện tham khảo
Có công mài sắt có ngày nên kim
1. Ngày xưa, có một cậu bé làm việc gì cũng mau chán. Mỗi khi cần quyển sách, cậu chỉ đọc vài dòng đã ngáp ngắn, ngáp dài rồi bỏ dở. Những lúc tập viết, cậu cũng chỉ nắn nót được mấy chữ đầu, rồi lại viết nguệch ngoạc, trông rất xấu.
2. Một hôm, trong lúc đi chơi, cậu nhìn thấy một bà cụ tay cầm thoi sắt mải miết mài vào tảng đá ven đường. Thấy lạ. cậu bèn hỏi:
– Bà ơi, bà làm gì thế?
Bà cụ trả lời:
– Bà mài thỏi sắt này thành một chiếc kim để khâu vá quần áo.
Cậu bé ngạc nhiên:
– Thỏi sắt to như thế, làm sao bà mài thành kim được?
3. Bà cụ ôn tồn giảng giải:
– Mỗi ngày mài thỏi sắt nhỏ đi một tí, sẽ có ngày nó thành kim. Giống như cháu đi học, mỗi ngày cháu học một ít, sẽ có ngày cháu thành tài.
4. Cậu bé hiểu ra, quay về nhà học bài.