Câu 1: Em cho biết lúc bây giờ nước ta có những tôn giáo nào ?
Trả lời:
– Nho giáo từng bước suy thoái : thi cử không còn nghiêm túc như trước. Tôn ti trật tự phong kiến cũng không còn được như thời Lê sơ. Phật giáo, Đạo giáo có điều kiện phục hồi. Nhiều chùa, quán được xây dựng thêm, một số chùa được trùng tu lại.
– Cùng với sự phát triển của kinh tế hàng hoá, từ thế kỉ XVI, một số giáo sĩ đạo Thiên Chúa phương Tây theo các thuyền buôn nước ngoài vào Đại Việt truyền đạo. Một tôn giáo mới xuất hiện : đạo Thiên Chúa.
Câu 2: Những nét đẹp trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam là gì ?
Trả lời:
Tiếp nhận ảnh hưởng của các tư tưởng và tôn giáo, người dân Việt Nam đã tạo nên một nếp sống văn hoá riêng trên cơ sở hoà nhập với nền văn hoá cổ truyền thể hiện trong quan hệ gia đình, người già người trẻ, phân biệt phải trái, đúng sai, chân thực, khoan dung trong cuộc sống.
Đồng thời, các tín ngưỡng truyền thống tốt đẹp được phát huy, tôn trọng như thờ cúng tổ tiên, tôn thờ những người có công với làng với nước, nhất là những người có công lớn trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc. Bên cạnh chùa chiền, các nhà thờ đạo, những đền thờ, lăng miếu được xây dựng ở nhiều nơi.
Câu 3: Ở các thế kỉ XVII – XVIII, việc không chú ý nhiều đến các môn khoa học tự nhiên có ảnh hưởng như thế nào đến sự phát triển kinh tế của nước ta ?
Trả lời:
+ Giáo dục không góp phần phát triển kinh tế, không thừa hưởng được những thành quả của khoa học kĩ thuật, những tri thức tiên tiến của loài người áp dụng vào sản xuất.
+ Chương trình Nho học “Tứ thư, ngũ kinh” học để đi thi và ra làm quan à Chương trình giáo dục Nho học chưa góp phần phát triển kinh tế nước ta.
Câu 4: Văn học Việt Nam thế kỉ XVII – XVIII có gì mới ? Những điểm mới đó nói lên điều gì ?
Trả lời:
Văn học dân gian rất phát triển trong khi văn học chữ Hán suy giảm. Phản ảnh thực tế Nho giáo ngày càng mất uy tín đồng thời chứng tỏ cuộc sống tinh thần của nhân dân được đề cao góp phần làm cho văn học thêm phong phú đa dạng…
Văn học chữ Nôm phát triển mạnh những nhà thơ nổi tiếng như: Nguyễn Bỉnh Khiêm, Đào Duy Từ, Phùng Khắc Hoan.
– Bên cạnh dòng văn học chính thống, dòng văn học trong nhân dân nở rộ với các thể loại phong phú: ca dao, tục ngữ, lục bát, truyện cười, truyện dân gian… mang đậm tính dân tộc và dân gian.
– Thế kỷ XVIII chữ Quốc ngữ xuất hiện nhưng chưa phổ biến.
Câu 5: Nêu một vài công trình nghệ thuật hay làn điệu dân ca ở địa phương mà em biết
Trả lời:
Người Việt ở Quảng Ngãi có các loại hò dùng trong lao động sản xuất, trong sinh hoạt cộng đồng. Nếu chia theo môi trường diễn xướng thì có thể chia làm 2 loại: hò trên cạn và hò trên sông, nước.
Có các thể loại: hò giã gạo, hò đầm nền, hò đi cấy, hò xay lúa, hò tát nước, hò đạp xe nước, hò giã vôi, hò đẩy che mía… Tất cả các loại hò này là những sinh hoạt văn hóa văn nghệ thường gắn liền với môi trường hoạt động sinh hoạt, sản xuất trên ruộng lúa, ruộng mía, trên rẫy, trong nhà, ngoài sân, bến bãi, sân đình… Tiết tấu, giai điệu của từng điệu hò phù hợp với hoạt động sinh hoạt hoặc lao động sản xuất, như vòng quay của cối xay lúa, vòng quay của xe đạp nước, nhịp chày giã gạo, nhịp chân đầm nền, nhịp tay cấy lúa… Nội dung của các loại hò này tùy thuộc vào sự “tức cảnh sinh tình” của một cá nhân hay của hai người (nếu là đối đáp), hoặc của một nhóm người, không phân biệt là mỗi loại hò có mỗi nội dung riêng. Có khi là những lời trêu chọc, có khi là để tỏ bày tình cảm, có khi là để quên nỗi vất vả trong lúc lao động… Thường một cuộc sinh hoạt theo các loại hò có nhiều người cùng tham gia. Trong đó có một người xướng (hô), một số người hò theo (xô, ứng), theo trình tự có xướng, có vào hò và kết hò.
Đó là những điệu hò phổ biến, giai điệu, tiết tấu, lời ca tùy hứng, mặc dù có nhiều bài đã có sẵn lời (lời cũ). Tuy nhiên, cũng có điệu hò có tiết tấu ổn định, gọn ghẽ, giai điệu trong sáng, mạnh, như hò giã vôi chẳng hạn.