Trang chủ » Trả lời câu hỏi bài Nước Đại Cồ Việt thời Đinh – Tiền Lê

Trả lời câu hỏi bài Nước Đại Cồ Việt thời Đinh – Tiền Lê

1. Việc nhà Đinh đặt tên nước và không dùng niên hiệu của Hoàng đế Trung Quốc nói lên điều gì?

Trả lời:

– Khẳng định độc lập, chủ quyền của nước ta.

– Thể hiện nước ta ngang hàng với Trung Quốc, không phải là nước phụ thuộc.

2. Vì sao các tướng lĩnh lại suy tôn Lê Hoàn lên ngôi vua?

Trả lời:

Ông là người có tài, có chí lớn, mưu lược, khoẻ mạnh, nên được triều Đinh phong làm Thập đạo tướng quân, Điện tiền chỉ huy sứ. Khi Đinh Tiên Hoàng qua đời, triều đình cử ông làm phụ chính, giúp vua trông coi việc nước (vì Đinh Toàn lên ngôi còn nhỏ tuổi). Trước nguy cơ xâm lược của quân Tống, Thái hậu họ Dương thấy Lê Hoàn được lòng người quy phục, quan lại đồng tình, bèn lấy áo long bào khoác lên người Lê Hoàn và suy tôn ông làm vua.

3. Nhà Đinh đã làm gì để xây dựng đất nước?

Trả lời:

Để trả lời câu hỏi này, các em dựa vào nội dung mục 1, SGK. Trong đó, nêu rõ việc Đinh Bộ Lĩnh xưng Hoàng đế (Đinh Tiên Hoàng), định đô (Hoa Lư, Ninh Bình), đặt tên nước (Đại Cồ Việt), xây dựng bộ máy chính quyền mới, quan hệ đối ngoại tốt đẹp với các nước láng giềng … và đánh giá ý nghĩa của những việc làm đó (Đinh Bộ Lĩnh đã tiến thêm một bước trong việc xây dựng chính quyền độc lập, tự chủ, khẳng định chủ quyền quốc gia dân tộc).

4. Hãy mô tả bộ máy chính quyền trung ương và địa phương thời Tiến Lê.

Trả lời:

+ Bộ máy cai trị ở trung ương: Vua nắm mọi quyền hành, giúp vua có thái sư, đại sư và quan lại gồm hai ban văn, võ: Các con vua được phong vương và trấn giữ các nơi quan trọng.

+ Chính quyền địa phương: Cả nước chia thành 10 lộ, dưới lộ có phủ và châu.

+ Xây dựng quân đội (10 đạo và hai bộ phận cấm quân, quân địa phương).

Nhà Tiền Lê đã tiến thêm một bước trong việc xây dựng chính quyền độc lập tự chủ. Đây là sự hoàn thiện chính quyền ở trung ương, chia lại đơn vị hành chính cả nước, chú trọng xây dựng quân đội…

5. Hãy trình bày diễn biến của cuộc kháng chiến chống Tống do Lê Hoàn chỉ huy.

Trả lời:

– Diễn biến:

+ Đầu năm 981, quân Tống theo hai đường thuỷ, bộ tiến đánh nước ta.

+ Lê Hoàn trực tiếp tổ chức và lãnh đạo cuộc kháng chiến.

+ Nhiều trận chiến diễn ra trên sông Bạch Đằng. Trên bộ, quân ta chặn đánh địch quyết liệt, quân Tống đại bại.

6. Em hãy điểm qua tình hình nông nghiệp nước ta thời Đinh – Tiền Lê.

Trả lời:

Thời Đinh – Tiền Lê, ruộng đất trong nước nói chung thuộc sở hữu của làng xã. Nhân dân trong làng, theo tập tục, chia ruộng đều cho nhau để cày cấy và nộp thuế, đi lính và làm lao dịch cho nhà vua.

Hằng năm vào mùa xuân, vua Lê thường về địa phương tổ chức lễ cày tịch điền và tự mình cày mấy đường để khuyến khích nhân dân sản xuất. Việc khai khẩn đất hoang được mở rộng. Nhà Lê cũng chú ý đào vét kênh ngòi ở nhiều nơi, vừa thuận lợi cho việc đi lại, vừa tiện tưới tiêu cho đồng ruộng. Do đó, nông nghiệp ngày càng ổn định và bước đầu phát triển. Mùa lúa các năm 987, 989 đều tốt. Nghề trồng dâu, nuôi tằm cũng được khuyến khích.

7. Hãy trình bày tình hình thủ công nghiệp và thương nghiệp thời Đinh – Tiên Lê.

Trả lời:

– Thủ công nghiệp:

+ Xây dựng một số xưởng thủ công nhà nước: Chuyên chế tạo các sản phẩm phục vụ nhu cầu của vua quan: Đúc tiền, chế vũ khí, may mũ áo sắt, xây cung điện, chùa chiền.

+ Các nghề thủ công cổ truyền cũng phát triển hơn trước như dệt lụa, làm gốm, đúc đồng, rèn sắt, làm giấy…

– Thương nghiệp:

+ Nội thương: Việc trao đổi buôn bán trong nước phát triển. Nhà nước cho đúc tiền đồng để lưu thông trong nước. Nhiều trung tâm buôn bán và chợ làng quê được hình thành.

+ Ngoại thương: Nhân dân hai nước Việt – Tống thường qua lại trao đổi hàng hoá ở vùng biên giới.

8. Tại sao ở thời Đinh – Tiền Lê, các nhà sư lại được trong dụng?

Trả lời:

Giáo dục chưa phát triển. Nho học đã xâm nhập vào nước ta, nhưng chưa tạo được ảnh hưởng đáng kể. Đã có một số nhà sư mở các lớp học ở trong chùa.

Đạo Phật được truyền bá rộng rãi. Các nhà sư thường là người có học, giỏi chữ Hán, được nhà nước và nhân dân quý trọng. Những đại sư như Ngô Chân Lưu, Đỗ Thuận, Vạn Hạnh được trọng dụng như những cố vấn cung đình, những nhà ngoại giao đắc lực của nhà vua, nhất là trong các dịp đón tiếp các sứ thần nhà Tống.

9. Nguyên nhân làm cho kinh tế thời Đinh – Tiền Lê có bước phát triển?

Trả lời:

Nguyên nhân làm cho kinh tế thời Đinh – Tiền Lê có bước phát triển:

– Đất nước độc lập, thống nhất… có điều kiện phát triển kinh tế.

– Nhà nước có những chính sách khuyến khích nông nghiệp, thủ công nghiệp và thương nghiệp phát triển.

– Đời sống nhân dân được cải thiện, nâng cao sức mua của nhân dân.

– ít chịu ảnh hưởng của thiên tai.

10. Đời sống xã hội và văn hoá nước Đại Cồ Việt có gì thay đổi?

Trả lời:

Đời sống xã hội và văn hoá nước Đại Cổ Việt có những thay đổi như:

– Trong xã hội: Vua, các quan văn – võ, một số ít nhà sư tạo thành bộ máy thống trị. Những người bị trị bao gồm: Nông dân, thợ thủ công, người làm nghề buôn bán nhỏ, một số ít địa chủ, nô tì. Nhìn chung cuộc sống của nhân dân ta còn đơn giản, bình dị.

– Về văn hoá, giáo dục: Chưa phát triển. Nho học xâm nhập vào nước ta, nhưng chưa ảnh hưởng đáng kể. Phật giáo được truyền bá rộng rãi, chùa chiền được xây dựng ở nhiều nơi. Nhiều loại hình văn hoá dân gian (đánh đu, đấu vật, nhảy múa…) được duy trì và phát triển.

Đây là bước tiến quan trọng, nhất là sự phát triển của Phật giáo và các lễ hội được tiếp tục duy trì.

Leave a Comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Scroll to Top