Bài làm 1
Vũ Bằng là cây bút tuỳ bút nổi tiếng của nền văn học Việt Nam. Sáng tác từ những năm trước Cách Mạng với sở trường là thể tuỳ bút, bút kí và truyện ngắn, ông nhanh chóng trở thành cây bút có tên tuổi. Sau những năm 1945, ông vào Nam sinh sống vừa hoạt động Cách mạng, vừa hoạt động nghệ thuật. Mang theo nỗi niềm về một Hà Nội kí ức, ông đã sáng tác nên “Mùa xuân của tôi” đong đầy tâm trạng cảm xúc nỗi niềm nhớ thương.
Đoạn văn trích từ thiên tuỳ bút “ Tháng giêng mơ về trăng non rét ngọt” trong tập bút kí “Thương nhớ mười hai”. Đoạn trích nói riêng hay tập bút kí nói chung được sáng tác trong thời gian tác giả sống trong vùng kiểm soát của Mĩ nguỵ, xa rời Hà Nội , xa cách quê hương đất bắc.
Mở đầu đoạn trích là những câu văn trải lòng của tác giả về những cảm nhận về tình cảm của con người đối với mùa xuân là một quy luật tất yếu, tự nhiên. Tác giả đã vẽ nên đặc trưng của thời tiết và khí xuân miền Bắc với “mưa rêu rêu gió lành lạnh” không nơi nào có được. Những thanh âm như tiếng nhạn kêu, câu hát huê tình quyện với sự ấm áp của nhang trầm, của không khí đoàn tụ gia đình khiến tác giả thổn thức nhớ thương. Tình cảm đối với mùa xuân là rất tự nhiên, bình thường. Ai cũng yêu chuộng mùa xuân. Điệp ngữ: “ đừng thương, ai cấm, tôi yêu” là lời khẳng định tình cảm yêu chuộng mùa xuân là qui luật tất yếu, tự nhiên của tâm hồn. Trong những cảm nhận về mùa xuân, tác giả có những liên tưởng độc đáo : “Non–nước” “Bướm–hoa” “Trăng–gió” “Trai–gái” “Mẹ–con” “Vợ–chồng”. Vũ Bằng đã mở đầu đoạn trích bằng những câu văn giản dị mà đong đầy tình cảm. Một cách giới thiệu tự nhiên, chân thành, sự liên tưởng độc đáo và điệp ngữ cho thấy tình cảm gắn bó tự nhiên, tất yếu, không thể chia rẽ của con người hay chính tác giả với mùa xuân.
Nhớ về mùa xuân miền Bắc, mùa xuân Hà Nội, Vũ Bằng nhớ đến cảnh sắc và không khí mùa xuân đất Bắc trước ngày rằm tháng giêng. Thiên nhiên mùa xuân ấy mang những nét đặc trung riêng biệt. Đó là cái mưa riêu riêu, cái lành lạnh của tiết trời. Đó là âm thanh của tiếng nhạn kêu, của tiếng trống chèo, câu hát huê tình “Mùa xuân của tôi – mùa xuân Bắc Việt, mùa xuân của Hà Nội – là mùa xuân có mưa riêu riêu, gió lành lạnh, có tiếng nhạn kêu trong đêm xanh, có tiếng trống chèo vọng lại từ những thôn xóm xa xa, có câu hát huê tình của cồ gái đẹp như thơ mộng…”. Câu văn da diết, tha thiết một tình cảm yêu thương, gắn bó của Vũ Bằng gợi lại cả một bầu không khí quen thuộc của mùa xuân đất Bắc. Trong khí trời của mùa xuấn, sức sống của con người của thiên nhiên rạo rực. “Ấy đấy, cái mùa xuân thần thánh của tôi nó làm cho người ta muốn phát điên lên như thế đấy. Ngồi yên không chịu được. Nhựa sống ở trong người cứ căng lên như máu căng lên trong lộc của loài nai, như mầm non của cây cối, nằm im mãi không chịu được, phải trồi ra thành những cái lá nhỏ li ti giơ tay vẫy những cặp uyên ương đứng cạnh.” Tác giả sử dụng những câu văn so sánh độc đáo để khắc tả lại sức sống căng tràn của con người trước thiên nhiên mùa xuân rực rỡ. Không khí ấm áp mùa xuân còn hiện lên trong khung cảnh gia đình ngày Tết với bàn thờ, đèn nến, hương trầm… và tình cảm cha con, vợ chồng, anh em quấn quýt, sum vầy. Nhớ lại khung cảnh trầm ấm, yêu thương ấy, giọng điệu của tác giả vừa sôi nổi nhiệt thành, vừa da diết lắng sâu. Điều đó đã tạo nên âm hưởng trữ tình và sức truyền cảm mạnh mẽ của đoạn văn. Vũ Bằng viết những câu văn bằng giọng điệu vừa sôi nổi vừa tha thiết, với ngôn ngữ mềm mại, trau chuốt, giàu chất trữ tình, so sánh độc đáo góp phần quan trọng tạo nên sức truyền cảm của đoạn văn. Cảnh sắc mùa xuân ở Hà Nội và miền Bắc được tái hiện trong nỗi nhớ thương da diết của tác giả đầy chân thành và yêu thương.
Khép lại đoạn trích, tác giả miêu tả cảnh sắc và không khí của mùa xuân sau ngày rằm tháng giêng. “Nhưng tôi yêu mùa xuân nhất là vào khoảng sau ngày rằm tháng Giêng, Tết hết mà chưa hết hẳn, đào hơi phai nhưng nhụy vẫn còn phong, cỏ không mướt xanh như cuối đông, đầu Giêng, nhưng trái lại, lại nức một mùi hương man mác. Thường thường, vào khoảng đó trời đã hết nồm, mưa xuân bắt đầu thay thế cho mưa phùn, không còn làm cho nền trời đùng đục như màu pha lê mờ. Sáng dậy, nằm dài nhìn ra cửa sổ thấy những vệt xanh tươi hiện ở trên trời, mình cảm thấy rạo rực một niềm vui sáng sủa. Trên giàn hoa lý, vài con ong siêng năng đã bay đi kiếm nhị hoa. Chỉ độ tám chín giờ sáng, trên nền trời trong trong có những làn sóng hồng hồng rung động như cánh con ve mới lột.”. Những câu văn thật chân thật. Đọc mà ta thấy hiện ra trước mắt là khung cảnh thiên nhiên thực sự của mùa xuân Bắc Việt, cứ nghĩ rằng người viết đang đứng trong đất trời mà viết nên những vần thơ. Nhưng đó chỉ là những cảm nhận trong nhung nhớ, trong tưởng tượng lại quá khứ. Tuy vậy mà nó lại hết sức chân thực đủ để thấy Vũ Bằng yêu mùa xuân Bắc Việt ra sao, nhớ nhung mùa xuân ấy thế nào.
Bằng ngòi bút tình cảm, chân thực của mình, Vũ Bằng đã bày tỏ những cảm xúc yêu thương, da diết của mình về đất trời mùa xuân miền Bắc yêu thương. Từ đó thấy được một tâm hồn yêu thiên nhiên, rạo rực cảm xúc.
Bài làm 2
Vũ Bằng là một nhà văn, nhà báo nổi tiếng với sở trường về viết truyện ngắn, tùy bút, bút ký. Bài tùy bút “Mùa xuân tôi yêu” trích từ tùy bút “Tháng giêng mơ về trăng non rét ngọt” của tập tùy bút rất nổi tiếng– bút kí “Thương nhớ mười hai” làm cho mỗi chúng ta khi đọc xong chỉ còn cái cái cảm giác bang khuâng tưởng mình đang được đắm trong một mùa xuân tuyệt diệu Hà Nội.
Từ những câu đầu tiên của bài, người đọc không khỏi bị cuốn theo bởi những cảm nhận tinh tế và liên tưởng độc đáo của tác giả về quy luật tình cảm của con người với mùa xuân: “Tự nhiên như thế, ai cũng chuộng mùa xuân” mà cụ thể ở đây là tháng Giêng- tháng đầu tiên của mùa xuân. Rồi tác giả đưa ra một loạt những trường liên tưởng về tình cảm tự nhiên của con người với mùa xuân bằng những hình ảnh gần gũi nhưng không kém phần ấn tượng: “ai bảo non đừng thương nước, bướm đừng thương hoa, trăng đừng thương gió, ai cấm được trai thương gái, mẹ yêu con, cô gái còn son nhớ chồng thì mới hết được người mê luyến mùa xuân”. Rõ ràng vế trước mà tác giả đưa ra là những hiện tượng vô cùng hợp lẽ tự nhiên, nếu cấm, nếu cản lẽ tự nhiên ấy không chỉ là tội mà còn là bất khả thi, chính vì vậy, người yêu mùa xuân không bao giờ hết.
Hà Nội trong mùa xuân hiện lên thật đẹp, đẹp một cách êm ả, thanh bình mà man mác cảm hứng lâng lâng bay bổng. Vũ Bằng đã thật tinh tế trong cách chọn những chi tiết miêu tả cảnh sắc mùa xuân Hà Nội. Mùa xuân ấy bắt đầu từ thời tiết rất đặc trưng vào mùa xuân ở miền Bắc: “mưa riêu riêu, gió lành lạnh”, khác hoàn toàn với màu nắng ấm của miền Nam, không gian của màn mưa xuân tạo ra trong làn gió sẽ lạnh đem cho người ta cái cảm xúc mơn man khó tả trong lòng. Và âm thanh mùa xuân cũng thật đặc biệt: có tiếng nhạn kêu trong đêm xanh, có tiếng trống chèo vọng từ xa, có câu hát huê tình của cô gái đẹp …
Tất cả những điều đó của “mùa xuân thần thánh ấy” khiến cho tác giả: “Muốn phát điên lên” và “"Ngồi yên không chịu được” bởi trước một không gian xuân với thiên nhiên và con người mà “Nhựa sống trong người căng lên như máu căng lên…những cặp uyên ương đứng cạnh" và "tim người ta dường như cũng trẻ hơn ra, và đập mạnh hơn trong những ngày đông tháng giá". Bởi mùa xuân chính là mùa của sự sống, mùa của sinh sôi nảy nở, mùa của nhựa trẻ tuôn trào. Mùa xuân lại còn làm cho con người như biết yêu thương nhau gấp nhiều lần, ra đường, về nhà, ai ai cũng thấy yêu thương, cũng muốn dang tay chào đón.
Xuân còn là sự hòa quyện hài hòa giữa cảnh và người trong những không khí của nghi lễ đón xuân: “Nhang trầm, đèn nến trên bàn thờ Phật, bàn thờ Thánh, bàn thờ tổ tiên.”, không khí xum họp của gia đình: “Đoàn tụ êm đềm trên kính dưới nhường.” và đặc biệt hơn cả là lòng người vào những ngày xuân: “Thấy ấm lạ ấm lùng, vui như mở hội liên hoan”. Đó là nét văn hóa đã đi vào truyền thống của người thủ đô, người Việt Nam. Từ những cảm xúc hội tụ ấy, nhà văn của chúng ta đã hân hoan thốt lên: “Đẹp quá mùa xuân ơi, mùa xuân của Hà Nội thân yêu, của Bắc Việt thương mến”.
Đoạn trích tùy bút chính là vẻ đẹp của mùa xuân trên quê hương đất Bắc hiện lên thật đặc biệt trong nỗi nhớ của người con xa quê. Từ đó, thể hiện một sự gắn bó máu thịt giữa con người với quê hương xứ sở, tình yêu quê hương ấy cũng chính là cội nguồn của tình yêu tổ quốc.
Bài làm 3
Vũ Bằng tên thật là Vũ Đăng Bằng (1913-1984) sinh tại Hà Nội, là nhà văn và nhà báo bắt đầu sự nghiệp sáng tác từ trước Cách mạng Tháng Tám 1945. Ông có sở trường về truyện ngắn, tùy bút, bút kí. Sau năm 1954, ông vào Sài Gòn vừa viết văn, làm báo, vừa hoạt động cách mạng.
Bài văn này trích từ thiên tùy bút Tháng Giêng mơ về trăng non rét ngọt in trong tập Thương nhớ mười hai.Tác phẩm được viết trong hoàn cảnh đất nước bị chia cắt, tác giả phải sống trong vùng kiểm soát của Mĩ – ngụy, xa cách quê hương đất Bắc. Nhà văn đã gửi vào từng trang sách nỗi niềm thương nhớ quê hương, gia đình tha thiết và lòng mong mỏi đất nước hòa bình, thống nhất. Điều đó thể hiện qua hoài niệm về cảnh sắc thiên nhiên và phong vị cuộc sống hằng ngày của Thủ đô Hà Nội với vẻ đẹp mang đậm bản sắc văn hóa tinh tế của một vùng và cũng là của chung đất nước.
Nói đến tình yêu nồng nàn của mình đối với mùa xuân, tác giả mượn quy luật để khẳng định: Tự nhiên như thế: ai cũng chuộng mùa xuân. Mà tháng giêng là tháng đầu của mùa xuân, người ta càng trìu mến, không có gì lạ hết. Ai bảo được non đừng thương nước, bướm đừng thương hoa, trăng đừng thương gió; ai cấm được trai thương gái, ai cấm được mẹ yêu con; ai cấm được cô gái còn son nhớ chồng thì mới hết được người mê luyến mùa xuân.
Nhà văn nhớ về mùa xuân đất Bắc là nhớ về cảnh đẹp thiên nhiên và những cảnh sinh hoạt đời thường mang nét đặc trưng nhất. Những hình ảnh đẹp đẽ, khó quên tái hiện rõ ràng trong tâm tưởng nhà văn: Mùa xuân của tôi – mùa xuân Bắc Việt, mùa xuân của Hà Nội – là mùa xuân có mưa riêu riêu, gió lành lạnh, có tiếng nhạn kiêu trong đêm xanh, có tiếng trống chèo vọng lại từ những thôn xóm xa xa, có câu hát huê tình của cô gái đẹp như thơ mộng…
Giọng văn du dương, trầm bổng, giàu chất thơ của Vũ Bằng đã đưa chúng ta vào thế giới hồi ức miên man, dạt dào cảm xúc. Thế giới ấy là một phần không thể thiếu trong cuộc sống tinh thần của kẻ tha hương. Nhà văn nhắc đi nhắc lại như lời ỏ tình thiết tha, say đắm: Mùa xuân của tôi… mùa xuân thần thái của tôi… Điều đó chứng tỏ tình yêu mùa xuân đã thấm sâu vào tâm hồn, vào máu thịt của người con đất Bắc. Để nhấn mạnh sức sống và sự cuốn hút kì lạ của mùa xuân, tác giả đã dùng cách nói cường điệu; ccuowngf điệu mà vẫn rất tự nhiên: Ấy đấy, cái mùa xuân thần thánh của tôi nó làm cho người ta muốn phát điên lên như thế đấy. Ngồi yên không chịu được. Nhựa sống ở trong người cứ căng lên như máu căng lên trong lộc của loài nai, như mầm non của cây cối, nằm im mãi không chịu được, phải trồi ra thành những cái lá nhỏ li ti giơ tay vẫy những cặp uyên ương đứng cạnh.
Thường thường, vào khoảng đó trời đã hết nồm, mưa xuân bắt đầu thay thế cho mưa phùn, không còn làm cho nền trời đùng đục như màu pha lê mờ. Sáng dậy, nằm dài nhìn ra cửa sổ thấy những vệt xanh tươi hiện ở trên trời, mình cảm thấy rạo rực một niềm vui sáng sủa. Trên giàn hoa lý, vài con ong siêng năng đã bay đi kiếm nhị hoa. Chỉ độ tám chín giờ sáng, trên nền trời trong trong có những làn sóng hồng hồng rung động như cánh con ve mới lột.
Qua bài văn hay và đẹp như một bài thơ trữ tình, người không chỉ am hiểu kĩ càng mà còn rất yêu mến màu xuân, yêu mến thiên nhiên; biết trân trọng sự sống và biết tận hưởng những vẻ đẹp kì diệu mà nó mang đến cho con người. Vũ Bằng quả là một cây bút tài hoa của nền văn xuôi Việt Nam hiện đại.