Bài làm 1
Đêm 29 Tết, tôi cùng mẹ và chị gái thức canh nồi bánh chưng. Khuya lắm rồi. Mọi vật đều chìm vào im lặng, chỉ còn nghe thấy tiếng nồi bánh chưng sôi đều. Củi gốc xoan, gốc ổi cháy đượm, thỉnh thoảng vang lên tiếng nổ nhỏ lép bép. Tôi ngồi tựa vào vai mẹ, nhìn bếp lửa đỏ hồng, thả hồn theo những tàn lửa bay chấp chới như những đốm sao lung linh.
Bỗng một vầng sáng hiện ra làm tôi loá mắt. Tôi định thần nhìn kĩ thì hoá ra là một ngôi nhà, một ngôi nhà được trang hoàng với những cành đào, cành quất trong dịp Tết đến xuân về. Kì lạ thay đó lại là ngôi nhà xinh xắn nằm ngay cạnh một luỹ tre xanh mát mà tôi đã từng ở với bà nội mình. Bóng dáng bà lão quét cống sao mà quen thuộc, gần gũi với tôi đến vậy ! Bà ! Bà ơi ! Vừa nhìn thấy bà, một tiếng gọi nào đó từ trái tim tôi cất lên như nâng bước chân tôi nhanh hơn. Rồi tôi chạy ùa vào ôm chầm lấy bà rối rít : “Bà ! Bà ! Cháu nhớ bà quá ! Bà khoẻ không bà ? Bà có nhớ cháu không ?”.
– Cháu bà lớn nhanh quá, càng lớn càng dễ thương.
Vừa nói nước mắt bà vừa chảy ra, tôi vội lấy khăn thấm cho bà rồi chúi đầu vào lòng bà, đôi mắt cũng cay xè : “Tết đến rồi, bà về thăm cháu đấy à ?”. Bà gật đầu. Đã ba năm rồi từ khi bà ra đi, ra đi mãi mãi…
Bà vẫn như thế, không có gì thay đổi. Mái tóc bạc trắng như cước được búi gọn ra sau gáy như một đoá sen trắng. Trên khuôn mặt phúc hậu đã lấm tấm đồi mồi những nếp nhăn như những rẻ quạt chạy dài từ phía trước ra sau tạo nên những lớp sóng trên gương mặt bà. Tuy vậy, ánh mắt của bà vẫn sáng, vẫn trong và hiền hậu.
Bất chợt, biết bao kỉ niệm những ngày tôi sống cùng bà tràn về. Tôi còn nhớ có lần bố mẹ đi công tác hết, chị tôi thì bận ôn thi đại học nên cũng chẳng mấy khi có ở nhà, chỉ còn tôi và bà quấn quýt bén nhau. Hôm đó, trên đường đi học về, tôi bỗng cảm thấy nửa hàm răng dưới đau buốt. Đầu nhức ong ong. Nuốt nước bọt lại thấy bỏng rát. Về đến nhà, quăng cái cặp sách vào ngăn bàn, tôi leo lên giường, trùm chăn, không ngăn được tiếng rên cứ bật ra và những giọt nước mắt ứa dài trên má.
Thấy vậy, bà vội chạy đến bên giường, lật chăn. Thấy tôi nằm cuộn tròn, nước mắt giàn giụa, tay ôm má, bà dịu dàng : “Trời, cháu bà ốm đây mà. Khổ thân cháu tôi. Nào ! Ngồi dậy để bà xem thế nào ?”. Vừa nói bà vừa nhẹ nhàng đặt tay lên trán tôi, tay kia vòng qua lưng đỡ lấy tôi dậy, bế vào lòng. Cái đau trong răng, trong họng tôi dịu hẳn. Tôi nép vào ngực bà thút thít : “Bà ơi ! Cháu đau cả hàm răng dưới, đau cổ họng lắm. Cháu thấy khó chịu, chẳng muốn ăn gì cả bà ạ !”. Bà khéo léo bảo tôi há miệng để bà xem răng, xem họng. Tuy không phải là bác sĩ nhưng bà đã có nhiều kinh nghiệm. Hồi nhỏ, bố tôi cũng hay đau răng, đau họng lắm. Chăm chú xem xét một lúc bà bảo : “Không sao. Quả thật cái răng, cái họng của cháu có hơi mất trật tự một chút. Sáng mai bà sẽ đưa cháu đến bệnh viện khám xem sao !”.
Cả đêm ấy, tôi đau, rên, mất ngủ. Bà nấu cháo gạo nếp sánh, thơm phưng phức, pha sữa dỗ tôi cố ăn cho chóng khoẻ. Chốc chốc, bà lại dấp khăn mặt ướt đắp lên cái trán dô, nóng hôi hổi của tôi cho hạ bớt nhiệt độ. Nhìn bà vất vả, tất bật, đi đi lại lại, miệng tôi đắng ngắt nhưng vẫn cố nuốt vài miếng cho bà vui lòng. Suốt đêm bà thức trắng để trông tôi.
Sáng hôm sau, bà đưa tôi lên viện. Ở phòng bệnh, tôi được biết mình bị hai bệnh tấn công một lúc : viêm chân răng hàm dưới và viêm a-mi-đan. Bác sĩ chỉ định nhổ răng và một tuần sau sẽ cắt a-mi-đan. Tôi sợ tái mặt. Bà thoáng đăm chiêu nhưng rồi lại tươi cười dỗ dành, an ủi : “Thôi vậy, bà cháu ta đành phải tạm trú trong viện này dăm bữa để giải quyết hai tên giặc hỗn láo dám làm phiền cháu gái bà.”
Hai lần nhổ răng và cắt a-mi-đan là hai lần khổ sở, vật vã nhất đối với tôi. Lúc nhổ răng và cắt a-mi-đan tôi chỉ thấy tê tê, sột sột vì được tiêm thuốc tê nhưng khi thuốc hết tác dụng thì tôi thấy đau ơi là đau, đau tái cả người. Mỗi lần mở mắt thức dậy, tôi đã thấy bà nằm bên, nắm tay tôi. Đêm đêm bà nằm sát vào tôi rồi ôm tôi vào lòng, ru tôi ngủ. Tôi vẫn rất đau và khó chịu nhung vì thương bà tôi cố chịu đau khi tiêm, cố uống thuốc, uống sữa, húp cháo cho bà yên tâm.
Đúng một tuần nằm viện, bà đón tôi trở về nhà. Đôi mắt bà hấp háy niềm vui, dịu dàng, chan chứa tình thương. Một tuần đi qua, tôi thấy chiếc áo bà mặc rộng ra, đôi tay gầy gầy, xương xương hơn, nếp nhăn cũng nhiều hơn, da bà nhăn nheo, xanh xao hơn. Bất giác tôi thấy sống mũi cay cay, mắt nhoè đi.
Cứ được ôm bà, gần gũi với bà như vậy thật hạnh phúc biết bao. Bóng hình bà biến thành rất nhiều con đom đóm chập chờn như những đốm lửa. Đèn trời không biết từ đâu xuấn hiện rất nhiều chiếu sáng khắp nơi. Bà ơi !… Bà đừng đi !…
Bỗng có ai đó lay tôi dậy rồi tiếng mẹ tôi gọi :
– Dậy đi con ! Gần sáng rồi, vào nhà ngủ kẻo lạnh, sương xuống nhiều quá ướt hết tóc con gái tôi rồi !
Tôi mở choàng mắt, bừng tỉnh. Thì ra là một giấc mơ, một giấc mơ dài và đẹp quá ! Giấc mơ đã đưa tôi đến với bà, nói chuyện, tâm tình cùng bà. Bên cạnh nồi bánh chưng vẫn đang sôi sùng sục. Trong gió bấc đã thoảng thấy hơi thở của mùa xuân đang về. Bà ơi, cháu ước gì thời gian có thể quay trở lại để cháu được sống cùng bà, được đón Tết với bà. Bà hãy sống thật hạnh phúc ở thế giới huyền bí đó nhé ! Bà sẽ mãi ở trong tâm trí cháu. Bà ơi ! Tết đến rồi !
ĐINH THỊ QUỲNH ANH
Bài làm 2
– Nhanh thật, mai đã là một trăm ngày nó rồi.
Bố tôi nhấp ngụm nước chè, trầm tư nhìn ra sân. Nỗi buồn mất con vẫn còn hằn sâu trên khóe mắt ông. Mẹ tôi vội quay đi, giấu giọt nước mắt đang lăn dài trên má. Chỉ vì cái tai nạn oan nghiệt đó mà chị tôi đã phải rời xa cha mẹ, rời xa tôi, rời xa cuộc sống thân thương. Nước mắt cứ trào ra, tôi chạy về phòng, úp mặt xuống gối nức nở.
Có tiếng chim lảnh lót đâu đây. Tôi mở mắt, vươn vai ngáp dài. Trước mắt tôi là một khung cảnh đẹp như trong truyện tranh. Trời xanh trong, mây trắng trôi bồng bềnh, nắng vàng dịu trải khắp đồng cỏ xanh tươi. Nơi tôi ngồi, một cái cây cổ thụ thân nâu sẫm, to gấp bốn lần cái cây đa ở quê tôi. Cành lá nó sum suê, hình như càng lúc càng toả rộng. Khung cảnh này rất quen, hình như tôi đã thấy nó ở đâu.
– Sâu bọ !
Một giọng nói quen thuộc, nghe như tiếng… chị tôi. Đúng, chị gái tôi chứ không ai khác. Tôi ngoảnh lại. Trước cửa căn nhà xinh xắn ấy, chị tôi đang vẫy tôi. Khuôn mặt tròn trịa, bầu bĩnh, đôi mắt sáng, miệng cười rạng rỡ. Chị mặc áo phông cộc thùng thình và cái quần ngố bò. Đấy là loại trang phục ưa thích của chị tôi. Đối với chị, thoải mái là số một. Mái tóc buộc lệch, lơ thơ mấy sợi tóc trên trán. Tôi hạnh phúc quá, không còn biết làm gì ngoài việc cố gắng, cố gắng chạy thật nhanh tới. Chị tôi cũng chạy. Hai chị em ôm chầm lấy nhau, quay hai ba vòng rồi cùng ngã lăn xuống đất. Chúng tôi nhìn nhau, bật cười khúc khích. Tôi bật nhảy tót ra cạnh chị, xoa xoa hai tay vào đôi má tròn của chị liến thoắng :
– Chị đi đâu mà không về với em ? Chị có biết em nhớ chị lắm không ? Chị có biết, không có chị, nhà mình chán lắm không ?
– Chị cũng nhớ em lắm, đồ sâu bọ ! – Chị cũng xoa má tôi, trả lời.
Hai chị em phá lên cười. Tôi kéo chị vào, xiết chị thật chặt :
– Thôi bây giờ chị phải ở nhà với em nhé.
Chị tôi bỗng nhiên im lặng rồi đẩy tôi ra, bảo :
– Mình vào nhà giúp mẹ nấu bữa trưa đi.
Chị đứng dậy dắt tôi vào căn nhà nhỏ xinh xắn. Từ trong nhà, bố tôi vác một chiếc bàn tròn, màu trắng. Đưa tay lau mồ hôi, ông cười :
– Hai đứa về rồi à, vào giúp mẹ nấu nướng đi con. Ớ trong nhà bếp bên kia ấy.
Tôi và chị tôi đi vào căn nhà nhỏ bên cạnh. Mẹ tôi đang ở trong đó, chuẩn bị rất nhiều món ngon. Có món tủ của tôi : tôm chiên xù. Mùi thơm nức mũi của nó khiến bụng tôi cồn cào. Có cả salad Nga với nhiều rau củ tươi, canh khoai môn tím sền sệt chỉ nhìn thôi mà tôi đã chảy cả nước miếng. Chị đập nhẹ vào lưng và bảo tôi :
– Con gái con lứa, nước miếng chảy hết cả ra khóe miệng rồi. Chẳng ý tứ gì cả.
Tôi vội lau, quay ra cãi :
– Kệ em, em còn bé mà. Với lại ở nhà chứ đâu phải nơi khác, cần gì phải ý tứ.
Cô chỉ giỏi chống chế thôi, ai bảo ở nhà thì không cần ý tứ. Thôi, ra bê với tôi mấy thứ để dọn bàn.
Tôi cười hì hì, lém lỉnh :
– Vâng ạ.
Chị tôi thấy thế cũng cười theo. Mẹ tôi quay lại, mỉm cười trìu mến rồi bảo :
– Hai chị em bê bát đũa với mấy món xong rồi ra trước, mẹ sẽ ra sau.
Chị em tôi lăng xăng bưng bê bát đũa trong khi bố tôi đang lau lại ghế. Cuối cùng, mọi người cũng ngồi vào bàn ăn. Tôi nhanh nhảu mời bố mẹ, mời chị rồi gắp vào bát mình một con tôm to. Tôi nhai ngấu nghiến. Chị tôi nhìn rồi nói :
– Đúng là đồ sâu bọ, ăn cái gì cũng ngấu nghiến. Này, ăn thêm một con nữa đi.
Chị gắp bỏ vào bát tôi thêm một con nữa. Tôi cũng gắp cho chị một con.
– Chị ăn nhiều vào.
Cả nhà tôi cùng cười. Bữa trưa đó thật sự rất vui vẻ. Cả nhà ai cũng ăn nhiều, cười nhiều, nói nhiều.
Sau bữa trưa, chị giúp mẹ dọn dẹp. Xong xuôi, chị rủ tôi :
– Sâu bọ, đi vẽ với chị đi.
Mỗi lần đi vẽ, tôi lại phải làm người mẫu cho chị cả tiếng đồng hồ. Hơi một tí là tôi lại ngó ngoáy, ngọ ngoạy. Lần này cũng vậy. Chốc chốc, tôi lại hỏi :
– Xong chưa chị ?
Ngồi im đi, sắp xong rồi.
Một lúc sau :
– Xong chưa, em mỏi lắm rồi.
Nếu em ngồi im một chút thì nó sẽ xong nhanh hơn.
Và cuối cùng :
– Bức tranh hoàn thành ! – Chị tôi kêu lên.
Đâu, đâu, cho em xem đi !
Tôi chạy lại, cố giành bức tranh. Quả thật chị tôi vẽ rất đẹp, nét vẽ sắc, rõ, rất có hồn. Trong tranh, hình như có ngọn cỏ đang lay động, con bướm đang bay lượn tung tăng. Chưa bao giờ tôi thấy mình lại giống thật như thế. Nhưng chị giật lại bảo :
– À ! Còn quên mất một vài chi tiết. Bên mép của em có cái nốt ruồi này. Trán toàn mụn trứng cá còn hai má phải nhiều tàn nhang. Ha ha…
Chị tôi vừa cười vừa cho tôi xem bức tranh sau chỉnh sửa.
– Ơ, sao chị lại…
Mặt nhăn nhó, tôi đứng dậy chạy đuổi theo chị. Chị tôi vừa chạy vừa cười phá lên. Tất nhiên rồi, vì cái mặt tôi trong tranh buồn cười lắm. Hai chị em đuổi nhau đến khi mệt lử. Chúng tôi ngồi bệt xuống, dựa vào thân cây cổ thụ. Ai cũng mặt đỏ gay, mồ hôi chảy ròng ròng. Vừa thở hổn hển, chúng tôi vừa nhìn nhau rồi lại cười khúc khích. Chị tôi lấy khăn tay lau mồ hôi cho tôi, rồi đưa cho tôi một lon nước ngọt mát lạnh :
– Mệt không, uống đi. Không phải đây là thứ nước mà em thích uống nhất à ?
– Vâng, em cảm ơn chị nhiều !
Nhưng ở nhà nhớ uống ít cái này thôi. Ăn thêm nhiều rau và cá, em sẽ khoẻ hơn đấy. Đừng ăn vặt nhiều không thì em sẽ béo ú ra đấy.
Tôi nhoẻn miệng cười :
– Vâng, em nhớ rồi.
Chị mỉm cười :
– Bây giờ em lớn rồi phải có ý tứ một chút. Ăn uống phải nhìn trước sau, có người trên thì phải mời trước mới được ăn nhớ chưa.
Rồi chị vuốt tóc tôi :
– Ở nhà nhớ chăm sóc bố mẹ. Bố mẹ có chuyện gì thì phải quan tâm, bố mẹ ốm thì phải coi sóc chu đáo.
– Thế chị không chăm sóc bố mẹ à ? Chị không ở nhà sao ?
– Chị phải đi xa rồi, không thể ở lại rtữa, em nhớ sống tốt. Chị đi thì đừng buồn, nghe chưa ?
– Chị đi đâu ? Thôi chị đừng đi mà. Chị phải ở nhà, em cần chị, bố mẹ cần chị. Chị đừng đi.
Tôi vươn tay, định nắm lấy tay chị. Nhưng chị lùi ra xa. Chị vẫn cười nhưng nước mắt thì lăn dài trên má. Tôi cố chạy theo, nhưng càng chạy chị càng xa tôi. Một bóng đen nào đó đang kéo chị tôi vào. Tôi cố gọi, gọi lạc cả giọng, cố vươn tay với, cố chạy theo. Nhưng không gian đang bị bao trùm bởi bóng đen kia. Tôi chẳng thấy gì nữa, chỉ biết hét gọi trong vô vọng :
– Chị ơi ! Chị ơi ! Đừng đi ! Chị ơi…
– Tỉnh dậy đi con, Linh ơi ! Tỉnh dậy đi.
Trước mắt tôi là khuôn mặt giàn dụa và đau đớn của mẹ. Tôi bật dậy :
– Mẹ ơi giữ chị lại, không cho chị đi. Mẹ ợi mẹ phải giữ chị lại.
Đến lúc này, mẹ tôi không kìm lòng được nữa. Mẹ ôm tôi, bật khóc nức nở. Tôi cũng khóc. Bố tôi đứng ở góc phòng, mắt ông cũng rưng rưng, nước mắt trực trào ra. Ông thở dài.
Sáng sớm hôm sau, cả nhà tôi đi thăm chị. Đặt bông cúc trắng lên mộ chị, tôi nước mắt vòng quanh. Nhưng tôi vội lau ngay. Chị không muốn tôi buồn mà muốn tôi vui vẻ sống tiếp cuộc sống mà chị phải rời bỏ. Tôi sẽ giúp chị chăm sóc bố mẹ, giúp chị làm những việc chị chưa làm được và sống tốt như chị mong đợi. Chắc chắn nếu tôi làm được thì dù có ở thế giới bên kia chị cũng cảm thấy vui lòng.
NGUYỄN THỊ THUỲ LINH
Bài làm 3
Trong gia đình, người tôi yêu mến và thân thiết nhất chính là anh Hai. Cách đây hai năm, anh Hai tôi vừa tốt nghiệp đại học quân sự đã được điều đến vùng biên giới để công tác. Từ ngày ra đi, anh rất ít khi về thăm nhà, chỉ thỉnh thoảng viết thư cho gia đình. Khi còn ở nhà, anh rất thương yêu tôi. Mỗi tối anh đều kèm tôi học, giúp tôi giải toán thật nhanh. Tình cảm giữa hai anh em tôi vô cùng thắm thiết. Nay anh đi xa, tôi buồn và thấy cô đơn nhiều lắm.
Ngày mai có bài thi môn toán nên tôi cố gắng giải các đề ôn tập để làm bài thi thật tốt. Tôi đã giải gần hết các bài toán, chỉ còn duy nhất một bài rất khó, tôi suy nghĩ mãi mà không tìm được lời giải. Bây giờ, tôi chỉ ước có anh Hai bên cạnh tôi để giảng bài cho tôi. Trời đã khuya, bài toán khó khiến tôi mệt mỏi và mọi thứ xung quanh tôi mờ dần, mờ dần…
Bỗng, có tiếng gõ cửa với tiếng gọi quen thuộc: “Nhóc ơi, ra mở cửa cho anh!” A, đó chính là anh Hai! Anh Hai đã về rồi. Tôi nhảy cẫng lên rồi vội mở cửa, đưa anh vào nhà. Anh đặt ba lô xuống đất rồi xoa đầu tôi:
– Em đang giải toán à? Giỏi quá vậy ta!
Rồi anh kéo tôi cùng ngồi xuống ghế, hỏi thăm về chuyện học hành của tôi. Tôi hào hứng khoe với anh về những thành tích học tập của mình. Anh nghe xong, cười đắc chí:
– Thế mới là em của anh chứ!
Tôi đòi anh kể chuyện những ngày ở biên giới. Anh vui vẻ kể tôi nghe hàng tá chuyện vui của đời quân ngũ. Lúc chăm chú ngồi nghe anh kể, tôi mới để ý thấy rằng da anh tôi đen hơn trước rất nhiều, có lẽ do anh luôn phải dãi nắng dầm sương. Cả người anh trông cũng to lớn, vạm vỡ hơn trước nhờ rèn luyện sức khỏe hằng ngày để khỏe mạnh, đủ sức chống chọi với thời tiết khắc nghiệt vùng biên giới. Nhưng đôi mắt anh vẫn sáng và tinh anh như ngày nào. Anh vẫn nhìn tôi thật dịu dàng và trìu mến.
– Em gái của anh lớn quá rồi! Ở nhà có nhớ anh nhiều không? Không có anh giảng bài chắc em gặp rắc rối nhiều với các bài toán khó phải không? Dù anh không giúp em học như ngày trước được nữa nhưng anh vẫn luôn cổ vũ cho em. Đừng bao giờ nản lòng em nhé! Phải học thiệt giỏi để anh còn khoe em gái ngoan của anh với các đồng chí chứ.
– Em hứa sẽ cố gắng học, không làm anh Hai thất vọng đâu. Em phải thật xứng đáng là em gái của một chiến sĩ bộ đội chứ.
Anh ôm tôi vào lòng, vỗ vai tôi rồi đứng lên, đeo ba lô và bước ra cửa. Anh vẫy tay chào:
– Anh đi đây! Nhiệm vụ đang chờ anh!
Anh bước ra khỏi cửa. Cánh cửa đóng sầm lại khiến tôi giật mình choàng tỉnh. Ồ, hóa ra đó chỉ là một giấc mơ.
Dù chỉ gặp được anh Hai trong giấc mơ nhưng tôi vẫn cảm thấy rất vui. Khi tỉnh giấc, tôi cảm thấy khỏe khoắn và đầu óc minh mẫn hẳn lên. Tôi quyết tâm giải bằng được bài toán khó này để không phụ lòng mong mỏi của anh tôi. Ngày mai, sau khi thi xong, tôi sẽ viết thư kể cho anh nghe giấc mơ vừa rồi, chắc là anh Hai sẽ vui lắm.
Bài làm 4
Những ngày đầu mùa đông, trời trở lạnh, em đi ngủ sớm hơn mọi khi. Em nằm bên cạnh bà và được nghe những câu hát mượt mà của ngày xưa bà thường hay hát. Chắng mấy chốc, giọng hát ngọt ngào ấy đã đưa em chìm sâu vào giấc ngủ. Trong giấc mơ, em thấy ông nội trở về trò chuyện cùng với em.
Ông nội em năm nay cũng khoảng 70 tuổi nhưng ông đã không còn từ khi em mới bỡ ngỡ bước vào lớp một. Thời gian trôi qua thật nhanh, thấm thoắt cũng đã gần chục năm rồi em không đuợc sống bên cạnh ông, không đuợc nghe giọng nói ồm ồm chứa đựng bao tình thương của ông.
Em vẫn nhớ như in giấc mơ hôm đó, em thấy ông nội với hình dáng gầy gầy thân quen đi về phía em đang học bài. Em vui sướng chạy ra ôm chầm lấy ông. Đôi bàn tây ấm áp của ông nhẹ nhàng xoa lên đầu em rồi ông dắt em từ bàn học ra chiếc ghế nhỏ ngày xưa hai ông cháu dạy nhau tập đọc đặt ở phòng ngoài. Đã lâu lắm rồi mà nhìn ông vẫn không thay đổi là bao so với trước. Khuôn mặt vấn rạng ngời phúc hậu đã xuất hiện thêm nhiều nếp nhăn. Đôi mắt sâu hơi mờ đi nhưng đôi tai ông vẫn còn tinh lắm. Dường nhu chỉ có mái tóc bạc thêm là thấy rõ vì dấu ấn thời gian.
Ông hỏi han về tình hình học tập của em có tốt không? Em tự hào kể cho ông nghe về những thành tích mà mình đã đạt được. Nói đến đâu ông cũng gật đầu tỏ vẻ hài lòng và khen em đã có tiến bộ hơn ngày trước rất nhiều. Em cảm thấy ông rất vui và hãnh diện vì mình. Song ông vẫn nhắc nhở em phải biết lấy đó làm động lực để mình cố gắng. Ông mong em luôn chăm chỉ học tập, rèn luyện bản thân, không lúc nào được nguôi nhớ công ơn sinh thành và nuôi dưỡng của bố mẹ, thầy cô. Em ngồi im lặng và thấm thía những lời dạy đầy ý nghĩa của ông vào tâm trí. Rồi em hỏi thăm sức khoẻ của ông. Ông nói rằng ông rất khoẻ và luôn nhớ về mọi người. Ông hy vọng rằng em sẽ thay ông chăm sóc bà thật tốt. Em cảm động lắm, không biết nói gì em chỉ biết nhìn ông và gật đầu thay cho câu trả lời của mình. Ngồi nói chuyện được khá lâu, ông kể tiếp cho em nghe nhiều câu chuyện hay mà ngày trước ông vấn thường hay kể. hai ông cháu nói chuyện vui vẻ, giọng nói và tiếng cười ấm áp của ông vang khắp căn nhà bé nhỏ.
Trời về khuya hơn, màn đêm yên ắng, tĩnh mịch lạ thường. Em hỏi ông hay nói đúng hơn nó là lời trách móc ngây thơ rằng: “Sao ông không thường xuyên về thăm gia đình hay là ông đã quên mọi người? Lần này về ông phải ở đây thật lâu để chơi với chúng cháu”. Ông khẽ nói với em rằng: “Hãy nhớ ông luôn ở bên cạnh mọi người”. Nói xong, ông lẳng lặng bước ra cửa, vì sợ phải xa ông em vội chạy theo nhưng hình ảnh ông cứ xa dần, chỉ thỉnh thoảng ông ngoảnh lại vẫy tay tạm biệt. Em khóc gọi theo ông. Thấy mình khóc, em tỉnh dậy thì ra những gì mình vừa thấy chỉ là mơ. Đó là một giấc mơ mà em không bao giờ quên được.
Em sẽ luôn ghi nhớ và trân trọng giấc mơ quý giá này. Em tin rằng dù không có thật nhưng mỗi lời nói, cử chỉ ông dành cho em đều là động lực để em vươn lên trong cuộc sống.