Bài 1 trang 68 SGK Lịch sử 4
Dựa vào nội dung của bài, em hãy mô tả kiến trúc độc đáo của quần thể kinh thành Huế.
Trả lời:
– Sau mấy chục năm xây dựng và tu bổ nhiều lần, một toà thành rộng lớn, dài hơn 2km đã mọc lên bên bờ sông Hương. Đây là toà thành đồ sộ và đẹp nhất nước ta thời đó.
– Thành có 10 cửa chính ra vào. Bên trên cửa thành xây các vọng gác có mái uốn cong hình chim phượng. Cửa Nam toà thành có cột cờ cao 37m. Từ đỉnh cột cờ có thể nhìn thấy cửa biển Thuận An.
– Nằm giữa kinh thành Huế là Hoàng thành. Cửa chính vào Hoàng thành gọi là Ngọ Môn. Tiếp đến là hồ sen, ven hồ là hàng cây đại. Một chiếc cầu bắc qua hổ dẫn đến điện Thái Hoà nguy nga tráng lệ. Điện Thái Hoà là nơi tổ chức các cuộc lễ lớn. Quanh điện Thái Hoà là hệ thống cung điện dành riêng cho vua và hoàng tộc ở Huế, các vua nhà Nguyễn còn cho xây dựng rất nhiều lăng tẩm. Đó là những khuôn viên rộng, cây cối tươi xanh bao quanh các công trình kiến trúc.
Bài 2 trang 68 SGK Lịch sử 4
Ngoài nội dung của bài, em biết thêm gì về Huế (về thiên nhiên, con người)?
Trả lời
a. Con người Huế
– Thiếu nữ Huế thường là kín đáo, không bộc lộ tâm tình cho người khác biết, có khi là e ấp, cũng có khi là ỡm ờ. Trong hai câu thơ của Đông Hồ nhắc đến cô gái Huế: “Gió chiều vương áo nàng Tôn Nữ, quai lọng nghiêng vành chiếc nón thơ”, ta cảm thấy các món trang sức như tà áo, chiếc nón, bài thơ trong nón đều góp phần tạo nên nét duyên e ấp của “nàng Tôn Nữ” và nàng Tôn Nữ ở đây dùng để chỉ chung các thiếu nữ Huế. Một tác giả Pháp chấm phá dung nhan này như sau: “… Các cô gái Huế kiêu sa và dễ làm ra vẻ khinh khỉnh, họ là đám hậu sinh của các phi tần không bao giờ quên rằng một giọt máu thiên tử đang chảy truyền trong huyết quản của mình” (Jean Hougron, Soleil au ventre, trang 67).
b. Thiên nhiên Huế
– Sông Hương hiển nhiên như đóa hoa tô điểm cho thành phố. Không có con sông nào làm hao tốn giấy mực cho bằng sông Hương. Không có con sông nào làm tuôn trào suối nhạc cho bằng sông Hương. Và cũng chính nó là nguyên ủy cho sự ra đời của bao nhiêu hiệp hội ái hữu, đồng hương với nó ở trong nước cũng như ở hải ngoại.
– Như ta vừa nói, sông Hương đã khơi nguồn cho nhiều suối thơ. Nó cắm được nhiều điểm lưu khách, nhiều bến sông hữu tình dễ neo thuyền. Một số lớn các chúa, các vua, các vương, các hoàng thân công nữ đã chấm bút vào nghiên thơ. Các thi xã, hội thơ, thi đàn nối tiếp nhau ra đời.