Trang chủ » Phân tích ý nghĩa và giá trị truyện ngắn Thuốc của Lỗ Tấn

Phân tích ý nghĩa và giá trị truyện ngắn Thuốc của Lỗ Tấn

BÀI LÀM 1

Lỗ Tấn (1881 – 1936) là nhà văn cách mạng Trung Quốc thế kỉ XX. Bút danh Lỗ Tấn ghép từ họ mẹ (Lỗ Thụy) và chữ Tấn hành, nghĩa là “đi nhanh lên”. Ông dung ngòi bút để phanh phui các “căn bệnh tinh thần” của quốc dân, bằng cách nêu ra những vấn đề bức xúc trong đời sống tinh thần, phơi bày các hiện tượng bệnh hoạn của xã hội để lưu ý mọi người tìm phương thuốc chạy chữa. Toàn bộ sáng tác của ông, đều tập trung phê phán nghiêm khắc các căn bệnh tinh thần khiến cho quốc dân mê muội, tự thỏa mãn “ngủ say trong một cái nhà hộp bằng sắt không có cửa sổ”.Thuốc là một trong nhưng tác phẩm đặc sác nhát của Lỗ Tấn.

Năm 13 tuổi, chứng kiến cảnh người cha lâm bệnh, vì không có thuốc mà chết, ông chọn học nghề y để chữa bệnh cho những người nghèo, ốm mà không có thuốc, chết vì ngu dốt và mê tín như cha mình. Đang học trường Cao đẳng y khoa, thì ông đột ngột thay đổi chí hướng. Một lần xem phim ông thấy những người Trung Quốc khỏe mạnh, hăm hở xem quân Nhật chém một người Trung Quốc làm gián điệp cho quân Nga ( thời chiến tranh Nga – Nhật, 1901 – 1905). Ông giật mình và nhận ra rằng: chữa bệnh thể xác không quan trọng bằng chữa bệnh tinh thần. Và thế là ông chuyển sang làm văn nghệ.

Nghĩa là, khi viết tác phẩm Thuốc, Lỗ Tấn có sự am hiểu sâu sắc về thực trạng xã hội và cả về thuốc. Truyện ngắn Thuốc viết năm 1919, đúng vào lúc cuộc vận động Ngũ tứ bùng nổ.

Tác phẩm nói về căn bệnh “đớn hèn” của dân tộc Trung Hoa do nhân dân thì chìm đắm trong mê muội, lạc hậu mà những người cách mạng thì hoàn toàn xa lạ với nhân dân. Nhà văn muốn cảnh báo: người Trung Quốc cần suy nghĩ nghiêm túc về một phương thuốc để cứu chữa dân tộc.

Câu chuyện xoay quanh việc chữa beengj cho cậu con trai có tên là Thuyên của vợ chồng lão Hoa, chủ một quán trà. Nghe nói bánh bao tẩm máu người chữa được bệnh nên lão Hoa đã mua “thuốc” chữa bệnh cho con. Vợ chồng lão Hoa và mọi người trong quán trà đều tin vào công hiệu thần kì trị bệnh lao của chiếc bánh bao tẩm máu Hạ Du (người tử tù vừa bị chết chém sang nay) và cười chê, khinh bỉ anh.

Hạ Du là một chiến sĩ cách mạng dũng cảm đấu tranh giải phóng dân tộc nhưng bị quần chúng mê muội lạc hậu gọi là giặc, là điên, không ai hiểu việc làm của anh. Chính ông bác Hạ Du đã tố giác anh để lĩnh thưởng. Thằng Thuyên ăn bánh bao tẩm máu người mà vẫn chết. Mộ của nó và của Hạ Du chon cùng một nghĩa trang chỉ cách nhau một con đường mòn nhỏ.

Năm sau, trong tiết thanh minh mẹ Thuyên và mẹ Hạ Du đến thăm mộ con và gặp nhau trong nghĩa trang. Bằng sự đồng cảm, mẹ Thuyên đã bước qua con đường mòn để an ủi mẹ Hạ Du. Cả hai rất ngạc nhiên khi nhìn thấy một vòng hoa trên mộ Hạ Du. Kết thúc truyện là hình ảnh hai bà mẹ và hình ảnh con quạ vút bay thẳng về phía chân trời xa.

Nhan đề “Thuốc” mang một ý nghĩa đặc biệt. Đây là hình ảnh có nhiều tầng nghĩa. Ở tầng nghĩa thứ nhất (nghĩa tường minh), thuốc là phương thuốc truyền thống dùng bánh bao tẩm máu người để chữa bệnh lao trong dân gian. Tầng nghĩa này hướng đến chủ đề chống mê tín dị đoan, phê phán cách chữa bệnh u mê, lạc hậu lúc đó của Trung Quốc.

Ở tầng nghĩa thứ hai sâu xa hơn (nghĩa hàm ẩn), thuốc có ý nghĩa khai sáng. Tác giả muốn mọi người giác ngộ bánh bao tẩm máu người đó là thứ thuốc độc. Người dân Trung Quốc phải tỉnh táo để nhận ra điều đó, không được “ngủ mê trong cái nhà hộp bằng sắt không có cửa sổ”.

Ở tầng nghĩa thứ ba, thoát ra khỏi ý nghĩa cứu chữa hay khia xác là hành động. Tác giả thúc giục con người phải tìm một phương thuốc làm cho quần chúng giác ngộ cách mạng và làm cho cách mạng gắn bó với quần chúng hơn.

Trong chuyện, chiếc bánh bao tẩm máu người là một bài thuốc trị bệnh lao quái đản, kinh dị mà ai cũng cho là hiệu nghiệm. Máu người cách mạng tiên phong ngã xuống vì lý tưởng cứu quốc đã bị đem bán cho những người mê muội mua về tẩm bánh bao.

Lỗ Tấn phê phán cách chữa bệnh lạc hậu, mê tín dị đoan đồng thời chỉ ra sự mê muội đớn hèn của người dân về chính trị và sự xa rời quần chúng của những người cách mạng. Từ đó cảnh báo người Trung Quốc phải suy nghĩ nghiêm túc về một phương thuốc để chữa những căn bệnh này.

Nhân vật Hạ Du là hình ảnh tượng trưng của cách mạng Tân Hợi. Hạ Du xuất hiện gián tiếp qua lời bàn tán của mọi người. Ở Hạ Du, nổi bậc với  phẩm chất của một chiến sĩ cách mạng yêu nước, có lí tưởng đúng đắn sớm giác ngộ cách mạng. Anh dũng cảm, hiên ngang, xả thân vì nghĩa lớn. Mục đích của anh hết sức cao cả nhưng vẫn còn xa rời quần chúng nên rơi vào bi kịch.

Qua hình tượng Hạ Du, tác giả bày tỏ sự kính trọng và lòng thương cảm sâu xa đối với những chiến sĩ tiên phong của cách mạng Tân Hợi. Bi kịch của Hạ Du còn là lời cảnh tỉnh những người Cách mạng tiên phong về việc xa rời quần chúng của họ.

Họ là quần chúng còn u mê, lạc hậu. Họ thiếu hiểu biết về cách mạng và chưa giác ngộ cách mạng. Qua câu chuyện cái bánh bao tẩm máu, lỗ tấn dần dần bộc lộ sự thức tỉnh của quần chúng nhân dân, tuy còn rất mờ nhạt.

Mẹ Hạ Du khi nhìn thấy vòng hoa trên mộ con, bà chợt băn khoăn, ngạc nhiên rồi trở ra đau xót, oán hận. Bà nhận ra cái chết của con trai bà không hoàn toàn vô nghĩa nhưng phải gánh chịu sự khinh bỉ của mọi người. Hạ Du cô độc cả khi đã chết.

Hình ảnh vòng hoa trên mộ Hạ Du là sự tưởng niệm, thương tiếc sự hi sinh cao cả của người cách mạng tiên phong, là mong mỏi về sự thức tỉnh của quần chúng cùng niềm tin, cái nhìn lạc quan của tác giả vào tiền đồ tươi sang của cách mạng.

Câu hỏi của mẹ Hạ Du “Thế này là thế nào?” ẩn giấu niềm tin đang le lói trong lòng người mẹ đau khổ vì đã có người hiểu, ngưỡng mộ và tiếp bước sự nghiệp con mình… Câu hỏi day dứt, vấn vương sang cả người đọc. Tác giả muốn người đọc suy nghĩ để hiểu ý nghĩa của cái chết kia, suy nghĩ về mối quan hệ gắn bó giữa cách mạng và quần chúng.

Cuối tác phẩm, hình ảnh “con quạ xòe đôi cách nhún mình, rồi như một mũi tên vút bay thẳng về phía chân trời xa” thể hiện niềm mong mỏi, tin tưởng của tác giả vào sự thức tỉnh của quần chúng và tiền đồ tươi sang của Cách mạng. . Con quạ đen là sự u tối của con người. nhưng cái u tối đó đang bắt đầu chuyển hướng, đang bay thẳng về phía chân trời của ánh sáng để tìm một lối giải thoát. Rồi đây, những con người mê muội kia cũng sẽ tìm thấy anhsangs của cách mạng, ánh sáng của lương tri và mạnh mẽ tự giải phóng mìn ra khỏi những u tối ấy. Đó là cái nhìn đầy lạc quan của nhà nhân đạo luôn hướng đến tôn vinh những giá trị của con người.

Nội dung Thuốc dồn nén sự quan sát, nghiền ngẫm của nhà văn về xã hội, về con người Trung Quốc, về con đường giải phóng dân tộc. Lựa chọn của Lỗ Tấn là không thể khuyên bảo mà nên tinh tế làm cho họ tỉnh ngộ bằng một liều thuốc hiệu nghiệm. Như chính ông đã nói: “cần suy nghĩ nghiêm khắc về một phương thuốc để cứu dân tộc”.

BÀI LÀM 2

Thuốc ở đây chính là chiếc bánh bao tẩm máu người mà lão Hoa đã mua về cho thằng Thuyên ăn để chữabệnh lao.Nhan đề này có nhiều nghĩa .-Tầng nghĩa thứ nhất của Thuốc là nghĩa tường minh , chỉ phương thuốc chữa bệnh lao bằng chiếc bánh bao tẩm máu người . Đây là một phương thuốc mê tín lạc hậu tương tự như hai vị thuốc mà ông thầy lang đã bốc cho cho bố Lỗ Tấn để chữa bệnh phù thủng là rễ cây mía đã kinh sương ba năm và một đôi dế đủ con đực , con cái dẫn đến cái chết của ông cụ.-Tầng nghĩa thứ hai của Thuốc là nghĩa hàm ẩn , đó là phương thuốc để chữa bệnh tinh thần : căn bệnh gia trưởng , căn bệnh u mê lạc hậu về mặt khoa học của người dân Trung Quốc . Bố mẹ thằng Thuyên vì lạc hậu và gia trưởng đã áp đặt cho nó một phương thuốc là chiếc bánh bao tẩm máu người dẫn đến cái chết của nó . Rồi tất cả đám người trong quán trà cũng sai lầm như vậy. Chiếc bánh bao tẩm máu vô hại kia đã trở thành một thứ thuốc độc vì người ta quá tin vào nó mà không lo tìm một thứ thuốc khác .Người dân Trung Quốc phải tỉnh giấc , không được “ngủ mê trong cái nhà hộp bằng sắt không có cửa sổ”.-Tầng nghĩa thứ ba của Thuốc , của chiếc bánh bao tẩm máu người là phương thuốc nhằm chữa căn bệnh u mê lạc hậu về mặt chính trị của người dân Trung Quốc và căn bệnh xa rời quần chúng của người cách mạng Trung Quốc thời bấy giờ . Máu để tẩm chiếc bánh bao là dòng máu người chiến sĩ cánh mạng Hạ Du đã đổ xuống để giải phóng cho nhân dân . Thế mà nhân dân lại u mê cho anh là làm giặc , là thằng điên và mua máu anh để tẩm bánh bánh bao. Còn Hạ Du làm cách mạng cứu nước ,cứu dân mà lại quá xa rời quần chúng để nhân dân không hiểu anh đã đành mà mẹ anh cũng không hiểu (đỏ mặt xấu hổ khi thămmộ con gặp bà Hoa) còn chú anh thì tố cáo cháu để lấy tiền thưởng.Tóm lại: Nhan đề truyện và hình ảnh chiếc bánh bao tẩm máu người đã thể hiện chủ đề tư tưởng tác phẩm: Lỗ Tấn đã đau nỗi đau của dân tộc Trung Hoa thời cận đại : nhân dân thì “ngủ say trong một cái nhà hộp bằng sắt” còn người cách mạng thì “bôn ba trong chốn quạnh hiu”

 

BÀI LÀM 3

Nhà văn Lỗ Tấn là một trong những nhà văn hiện thực lớn, xuất sắc của đất nước Trung Hoa. Ông nổi tiếng với những tác phẩm phản ánh đúng hiện thực xã hội, cũng như con đường đi của nhân dân. Tronng số những tác phẩm nổi tiếng của ông, “ Thuốc” là tác phẩm nổi tiếng, để lại dấu ấn trong lòng người đọc khi dám nói lên tư tưởng sai lầm, lạc hậu của nhân dân và Đảng cộng sản Trung Hoa thời bấy giờ. Và hình ảnh “ chiếc bánh bao tẩm máu người” là một hình ảnh đắt giá, mang ý nghĩa biểu trưng sâu sắc nhất của tác phẩm.

Mỗi người sẽ có cảm nhận riêng về hình ảnh chiếc bánh bao tẩm máu người, nhưng tựu chung đó đều là ẩn ý nghệ thuật của Lỗ Tấn. Hình ảnh chiếc bánh bao được Lỗ Tấn mượn để nói đến những con người khốn khổ, nghèo nàn lạc hậu, với một lối suy nghĩ, tư tưởng ấu trĩ bị ăn mòn của người dân Trung Hoa thời kì ấy.  Trước hết, chiếc bánh bao là thực phẩm mà con người vẫn ăn hàng ngày. Nhưng ở “ Thuốc”, chiếc bánh bao bất ngờ lại trở thành một thứ thuốc thần có thể cứu người. Không biết làm thế nào mà ngay cả đến khi chết, người ta vẫn tin rằng nó là một vị thuốc thần để truyền cho con cháu. Đây là một sự thật thương tâm, dẫn đến những kết cục đau lòng cho những con người mê tín, lạc hậu.

Chi tiết “ chiếc bánh bao tẩm máu đỏ tươi, máu còn nhỏ từng giọt, từng giọt” có ý nghĩa nói lên sự u mê, lạc hậu của nhân dân, đó cũng chính là bi kích của những chiến sĩ tiên phong trong cách mạng. Trong đó, có những con người điển hình là  “ bố mẹ thằng Thuyên vì gia trưởng đã áp đặt cho con mình sử dụng phương thuốc này và dẫn đến cái chết thê thảm của nó”. Không chỉ thế, tất cả những ai có mặt trong quán trà cũng có cùng chung suy nghĩ ấu trĩ, sai lầm như vậy. Chỉ vì sự u mê đó, mà chiếc bánh bao, một vật vô tri vô giác, từ một  món ăn quen thuộc lại vô tình trở thành con dao giết người. Một sự u mê, ấu trĩ đến điên cuồng, đáng chê trách của những con người cùng cực không tìm ra lối thoát.

Nhưng ý nghĩa cuối cùng của của chiếc bánh bao tẩm máu người đó chính là Lỗ Tấn muốn phê phán tư tưởng và con đường đi sai lầm của những người chiến sĩ cách mạng. Họ là những người tiên phong nhưng không chịu tìm hiểu, nắm bắt mọi thứ mà lại đi theo đường mòn, xa rời quần chúng, xa rồi nguyện vọng của nhân dân. Máu trên chiếc bánh bao chính là máu của chiến sĩ Hạ Du, người chiến sĩ đã hy sinh thân mình vì sự nghiệp lớn lao của đất nước. Vậy mà người dân Trung Hoa u mê lại cho rằng anh là kẻ phản bội nên căm phẫn. Ngay đến mẹ của Hạ Du cũng không hiểu được việc làm của con trai mình mà xấu hổ, còn chú của anh thì tố cáo anh để lấy tiền thưởng, đau xót lắm thay. Một người chiến sĩ cách mạng với tư tưởng vì nước vì dân, chỉ vì đi sai hướng, không gần gũi với nhân dân nên cuối cùng phải chịu một kết cục thê thảm như vậy. Có lẽ anh Hạ Du chính là một đại diện tiêu biểu cho những người làm cách mạng nhưng vẫn xa rời quần chúng.

Qua đây có thể thấy, hình ảnh chiếc bánh bao tẩm máu người trong tác phẩm “ Thuốc” của Lỗ Tấn đã thay lời Lỗ Tấn làm bật lên nỗi đau, hình ảnh tang thương của những người dân Trung Hoa u mê lạc hậu, cùng những con người làm cách mạng nhưng xa rời quần chúng, dẫn đến kết cục bi thương.

BÀI LÀM 4

Có ai đó đã nói thế này “Chi tiết nghệ thuật nhỏ làm nên nhà văn lớn”. Quả thực, những tác phẩm vĩ đại nhất luôn có những chi tiết trở thành biểu tượng riêng cho tác phẩm ấy. Ví như tiếng chửi của Chí Phèo trong tác phẩm cùng tên của Nam Cao, như tiếng sáo trong “Vợ chồng A Phủ” của Tô Hoài hay hình ảnh đôi bàn tay cụt 10 đốt của Tnú trong “Rừng xà nu” – Nguyễn Trung Thành. Đến tác phẩm “Thuốc” của Lỗ Tấn, một lần nữa ta lại bắt gặp một chi tiết nghệ thuật vô cùng đặc sắc. Đó là hình ảnh chiếc bánh bao tẩm máu người. Chi tiết nghệ thuật này ẩn chứa nhiều ý nghĩa sâu sắc.

Lỗ Tấn là nhà văn Trung Quốc, là người có tài năng và cái nhìn tiến bộ trong xã hội. Các tác phẩm của Lỗ Tấn đều có giá trị lớn lao trong việc phản ánh hiện thực và cái nhìn mới mẻ về cuộc sống. Đồng thời, nhà văn luôn chiêm nghiệm, triết lí về đời ẩn sâu trong mỗi chi tiết nghệ thuật độc đáo. Tác phẩm “Thuốc” với hình ảnh chiếc bánh bao tẩm máu người mang nhiều dụng ý của tác giả về hiện thực xã hội.

Hình ảnh “Chiếc bánh bao tẩm máu đỏ tươi, máu còn nhỏ từng giọt, từng giọt” là một hình ảnh thực, nó được sinh ra từ một loại hủ tục lạc hậu của xã hội phong kiến xưa. Chiếc bánh bao tẩm máu người giống như một vị thuốc có khả năng chữa bách bệnh mà hầu hết những người dân nghèo khổ, nhận thức kém, trình độ thấp đều tin tưởng. Giá của mỗi chiếc bánh bao tẩm máu người rất cao. “Thuốc” được tạo thành từ một chiếc bao tẩm với máu tươi của kẻ tử tù rồi ăn trực tiếp. Thật không khác gì hành động ăn thịt người nhưng lại được cả xã hội tôn sùng, tin tưởng. Tuy vậy đó chỉ là giá trị áo mộng của những con người u mê. Con trai của lão Hoa Thuyên mắc bệnh ho lao – một căn bệnh vô phương cứu chữa được ăn một chiếc bánh bao tẩm máu cuối cùng vẫn không thể tránh nổi cái chết. Loại “thuốc” này chẳng có giá trị như người ta tin tưởng.

Hình ảnh chiếc bánh bao tẩm máu người còn có ý nghĩa biểu tượng. Nó là biểu tượng cho một cái “ung nhọt” của xã hội. Nó cho thấy bối cảnh xã hội hiện thực bây giờ với sự nhận thức thấp và sự xuống cấp của đạo đức. Căn bệnh ho lao vô phương cứu chữa cũng là căn bệnh tinh thần vô phương cứu chữa của con người bấy giờ. Xã hội đang bế tắc và con người tìm đến những thứ mê tín dị đoan để cứu lấy mình nhưng đó chỉ là hành động mù quáng. Có lẽ, xã hội bây giờ thiếu đi những tư tưởng đúng đắn và đường lối soi sáng đầu óc họ.

Chiếc bánh bao tẩm máu của ai? Chiếc bánh bao tẩm máu của Hạ Du – một người dẫn đầu trong công cuộc cải tạo xã hội. Chiếc bánh tẩm máu của Hạ Du đã chứng minh rằng con đường cách mạng rơi vào bế tắc bởi những người làm cách mạng quên đi rằng không thể tập hợp được cộng đồng nhân dân thiếu trình độ như vậy và đường lối cách mạng quá xa rời thực tế, không tìm hiểu và nắm bắt được tâm lí của nhân dân. Hạ Du đã hi sinh cho đất nước nhưng không một ai hiểu và thậm chí anh trở thành kẻ phản bội. Máu của anh – biểu tượng cho sức sống mãnh liệt, sức cống hiến lớn lao lại trở thành phương thuốc mê tín cho chính dân đen – những người anh đang bảo vệ. Kết cục thê thảm này chính là bài học cho những người làm cách mạng đi sau.

Tóm lại, hình ảnh chiếc bánh bao tẩm máu người trong tác phẩm “Thuốc” của Lỗ Tấn mang nhiều ý nghĩa khác nhau, thể hiện tư tưởng tiến bộ và nhân đạo của tác giả.

Leave a Comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Scroll to Top