1. Tác giả viết bài này trong thời điểm nào của lịch sử? Bài viết đã nêu vấn đề gì? Ý nghĩa thời sự và ý nghĩa lâu dài của vấn đề ấy.
Những yêu cầu, nhiệm vụ hết sức to lớn và cấp bách đang đặt ra cho đất nước ta, cho thế hệ trẻ hiện nay là gì?
Trả lời:
Thời điểm của tác giả viết này là vào Tết năm Tân Tị 2001, năm mở đầu của thế kỉ XXI và thiên niên kỉ thứ ba, tính từ đầu công nguyên theo dương lịch. Đây là thời điểm rất quan trọng, thời điểm chuyển giao giữa hai thế kĩ, hai thiên niên kỉ. Đây cũng chính là thời điểm người ta hay muốn nhìn lại, kiểm điểm lại mình trên chặng đường dài đã qua và chuẩn bị hành trang đi tiếp chặng đường mới. Riêng đối với đất nước ta, dân tộc ta, đây chính là thời điểm công cuộc đổi mới bắt đầu từ cuối thế kỉ trước đã thu được những thành quả nhất định, đang bước sang thế kỉ mới với những mục tiêu phấn đấu vô cùng quan trọng. Đó là thời điểm giải quyết nhiệm vụ cơ bản để trở thành một nước công nghiệp vào năm 2020. Chính vì thế, bài Chuẩn bị hành trang vào thế kỉ mới này có ý nghĩa rất kịp thời, đúng lúc.
Bài viết đã nêu vấn đề để chuẩn bị hành trang vào thế kỉ mới, thế hệ trẻ Việt Nam chúng ta cần nhận rõ cái mạnh và cái yếu của con người Việt Nam, rèn cho mình những đức tính và thói quen tốt. Ngay trong câu đầu, tác giả nêu ra luận điểm cơ bản này của bài viết.
Cũng phải thấy vấn đề tác giả nêu ra không chỉ có ý nghĩa thời sự nóng bỏng trong thời điểm chuyển giao thế kỉ, mà nó còn có ý nghĩa lâu dài đối với cả quá trình đi lên của đất nước ta. Bởi vì có nhận thức rõ mặt mạnh cũng như mặt yếu của mình, khắc phục cái yếu đi, phát huy cái mạnh lên, chính là điều kiện quan trọng cần thiết để phát triển và không bị tụt hậu, đối với mỗi con người chúng ta hôm nay. Điều đó lại càng cấp thiết hơn nữa khi chúng ta đang thực sự đi vào công cuộc xây dựng, phát triển đất nước trong xu thế hội nhập, trong nền kinh tế có xu hướng toàn cầu hóa như bây giờ.
Nhiệm vụ của nước ta và thế hệ trẻ là:
– Đưa đất nước thoát ra khỏi tình trạng nghèo nàn, lạc hậu của nền kinh tế nông nghiệp.
– Đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
– Tiếp cận ngay với nền kinh tế tri thức.
2. Hãy đọc lại cả bài và lập dàn ý theo trình tự lập luận của tác giả.
Trả lời:
Lập dàn ý theo trình tự lập luận của tác giả:
a) Trong hành trang vào thế kỉ mới, sự chuẩn bị bản thân con người là quan trọng nhât.
Đây là luận cứ mở ra hướng lập luận cho toàn bài văn, là luận cứ quan trọng mở đầu cho cả hệ thống luận cứ của bài văn.
Luận cứ này được xác minh bằng các lí lẽ:
– Từ cổ chí kim bao giờ con người cũng là động lực phát triển của lịch sử;
– Trong thời kì kinh tế tri thức phát triển thì vai trò của con người lại càng nổi trội.
b) Bối cảnh thế giới hiện nay và những nhiệm vụ nặng nề của đất nước. Tác giả đã triển khai luận cứ này bằng hai ý:
– Bối cảnh hiện nay là một thế giới mà khoa học công nghệ phát triển như huyền thoại, sự giao thoa, hội nhập ngày càng sâu rộng giữa các nền kinh tế;
– Nước ta phải đồng thời giải quyết ba nhiệm vụ: thoát khỏi tình trạng nghìn năm lạc hậu của nền kinh tế nông nghiệp, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đồng thời phải tiếp cận ngay với nền kinh tế tri thức.
c) Những điểm mạnh, điểm yếu của con người Việt Nam được nhận rõ khi bước vào nền kinh tế mới trong thế kỉ mới.
Tác giả đã triển khai cụ thể và phân tích rất thấu đáo luận cứ này vì đây là một luận cứ chủ yếu.
d) Kết luận: Bước vào thế kỉ mới, mỗi người Việt Nam, đặc biệt là thế hệ trẻ cần phải phát huy những điểm mạnh, khắc phục những điểm yếu, rèn cho mình những thói quen tốt ngay từ những việc nhỏ để đáp ứng nhiệm vụ đưa đất nước đi vào công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Nhìn chung, hệ thống luận cứ của tác giả có tính chặt chẽ và tính định hướng rất rõ nét.
3. Trong bài này, tác giả cho rằng: "Trong những hành trang ấy, có lẽ sự chuẩn bị bản thân con người là quan trọng nhất". Điều đó đúng không, vì sao?
Trả lời:
Trong bài này, tác giả cho rằng: Trong những hành trang ấy, có lẽ sự chuẩn bị bản thân con người là quan trọng nhất. Điều này rất xác đáng bởi vì:
– Từ xưa đến nay, con người bao giờ cũng là động lực phát triển của lịch sử.
– Nhất là trong thời kỉ nền kinh tế tri thức phát triển mạnh mẽ như hiện nay con người lại càng có vai trò nổi bật.
4.Tác giả đã nêu ra và phân tích những điểm mạnh, điểm yếu nào trong tính cách, thói quen của người Việt Nam qua? Những điểm mạnh, điểm yếu ấy có quan hệ như thế nào với nhiệm vụ đưa đất nước đi lên công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong thời đại ngày nay?
Trả lời:
Tác giả đã nêu ra và phân tích những điểm mạnh, điểm yếu trong tính cách thói quen của con người Việt Nam là:
– Thông minh, nhạy bén với cái mới nhưng thiếu kiến thức cơ bản, kém khả năng thực hành;
– Cần cù sáng tạo nhưng thiếu đức tính tỉ mỉ, không coi trọng nghiêm ngặt quy trình công nghệ, chưa quen với cường độ khẩn trương;
– Có tinh thần đoàn kết, nhất là trong công cuộc chiến đấu chống ngoại xâm nhưng lại thường đố kị nhau trong làm ăn và trong cuộc sông hàng ngày
– Bản tính thích ứng nhanh, nhưng lại có nhiều hạn chế trong thói quen nếp nghĩ, kì thị trong kinh doanh, quen với bao cấp, thói sùng ngoại hoặc bài ngoại quá mức, thói “khôn vặt”, ít giữ chữ “tín".
Không liệt kê giản đơn, tác giả mỗi khi nêu một ưu điểm lại đề cập một nhược điểm. Đặc biệt là những ưu điểm, khuyết điểm đó luôn được đặt trong yêu cầu xây dựng và phát triển đất nước hiện nay.
5. Em đã học và đọc nhiều tác phẩm văn học và những bài học lịch sử nói về các phẩm chất truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, con người Việt Nam. Những nhận xét của tác giả có gì giống và có điểm gì khác với những điều mà em đã đọc được trong cách sách vở nói trên? Thái độ của tác giả như thế nào khi nêu những nhận xét này?
Trả lời:
Em đã được học và đọc nhiều tác phẩm văn học và những bài học lịch sử nói về các phấm chất truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, con người Việt Nam. Nói chung là chỉ thiên về khẳng định những cái hay, cái tốt, cái mạnh, những yếu tố tích cực đáng biểu dương học tập. Bài viết này trái lại, đã mang đến cho người đọc ít nhiều yếu tố bất ngờ. Tác giả không chỉ có ca ngợi, cũng không chỉ toàn phê phán một cách cực đoan mà đã nhìn nhận vân đề một cách khách quan, tôn trọng sự thực nghĩa là vừa khẳng định và trân trọng những phẩm chất tốt đẹp tích cực đồng thời cũng thẳng thắn chỉ ra những mặt yếu kém tiêu cực, không bị rơi vào sự tự cao quá mức hay tự ti, miệt thị dân tộc.
6. Trong văn bản, tác giả sử dụng nhiều thành ngữ, tục ngữ. Hãy tìm những thành ngữ, tục ngữ ấy và cho biết ý nghĩa, tác dụng của chúng.
Trả lời:
Trong văn bản này, tác giả sử dụng khá nhiều thành ngữ, tục ngữ “nước đến chân mới nhảy", “trâu buộc ghét trâu ăn”, “liệu cơm gấp mắm”, “bóc ngắn, cắn dài”. Điều này làm cho bài văn thêm phần cụ thể, sinh động và giàu ý nghĩa.
LUYỆN TẬP
1.Em hãy nếu những dẫn chứng trong thực tế xã hội và nhà trường để làm rõ một số điểm mạnh và điểm yếu của con người Việt Nam như nhận định của tác giả.
Trả lời:
Những dẫn chứng trong thực tế xã hội và nhà trường để làm rõ một số điểm mạnh và điểm yếu của con người Việt Nam như nhận định của tác giả.
Những dẫn chứng trong thực tế xã hội về một số điểm mạnh của con người Việt Nam:
-> Sự cần cù, sáng tạo:
– Bác Vũ Đình Phúc (đường Nguyễn Siêu, Xóm Mới, phường 7, TP Đà Lạt) đã giành 2 năm mày mò nghiên cứu để sản xuất ra máy xay phế phẩm nông nghiệp làm phân hữu cơ, tận dụng phế phẩm nông nghiệp, giảm rác thải đồng thời phục vụ sản xuất.
– Lê Huy Hiệu và Thân Trọng Tuấn khi còn là học sinh lớp 9A, trường THCS Hải Sơn, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị đã sáng tạo ra bẫy điện có chức năng thu nạp điện năng để phục vụ cho sinh hoạt từ những dụng cụ tự chế và được lắp tại ở gờ giảm tốc trên đường.
-> Truyền thống đoàn kết, đùm bọc lẫn nhau:
– Thời kì chiến tranh, nhân dân các làng bản, vùng quê đem lương thực nuôi bộ đội, giúp bộ đội tránh khỏi sự lùng sục của kẻ thù, sự đoàn kết của quân dân ta đã đánh bại hai kẻ thù lớn là thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.
– Đoàn Trường Sinh ở xã Vinh Quang, huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang 10 năm cõng người bạn bị liệt cả hai chân đi học.
– Nguyễn Văn Nam sinh năm 1995, quê ở huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An đã 3 lần cứu sống 9 người sắp bị chết đuối, trong lần cứu 5 em nhỏ bản thân Nam đã bị chết đuối.
Những dẫn chứng trong thực tế xã hội về một số điểm yếu của con người Việt Nam
->Thói quen "khôn vặt", "bóc ngắn cắt dài", không coi trọng chữ "tín": các cửa hàng bán rượu trên phố Hàng Buồm, Tạ Hiện, Phan Bội Châu, chợ Hàng Da ở Hà Nội sử dụng những chai rượu lâu được vận chuyển từ các cửa khẩu, dán tem thành rượu hợp pháp và bán cho người dân.
->Lối học chay, học vẹt nặng nề: Học sinh học thuộc lòng kiến thức để làm các bài kiểm tra mà không hiểu bản chất của vấn đề, không thể vận dụng kiến thức ấy vào những trường hợp mang tính mở rộng.
2.Em nhận thấy ở bản thân mình có những điểm mạnh và điểm yếu nào trong những điều tác giả đã nêu và cả những điều tác giả chưa nói tới? Nêu phương hướng khắc phục những điểm yếu.
Trả lời:
Học sinh liên hệ thực tiễn bản thân để trả lời câu hỏi.
Ý nghĩa, nhận xét
Sau bài học, học sinh:
– Ý thức được điểm mạnh, điểm yếu của người Việt Nam và soi chiếu vào bản thân mình.
– Nhận ra rằng: Để đưa đất nước đi lên, cần phát huy những điểm mạnh và khắc phục những điểm yếu, hình thành những thói quen tốt ngay từ những việc nhỏ.
– Ý thức rằng bản thân các em – chủ nhân tương lai của đất nước cũng chính là những nhân tố quan trọng trong việc đưa đất nước đi lên, hội nhập, từ đó ra sức rèn luyện, học tập.