Hướng dẫn soạn bài
Đề bài: “Sách mở rộng trước mắt tôi những chân trời mới.” (Go-rơ-ki)
Dựa vào dàn ý trong SGK – tr.140, ta viết các đoạn văn ngắn triển khai các ý trong phần Thân bài như sau:
Phần 1: Sách là sản phẩm tinh thần kì diệu của con người.
a. Trước khi có chữ viết, con người đã có những sáng tác truyền miệng, nhưng nền văn minh nhân loại chỉ bùng nổ từ khi bắt đầu có chữ viết, nhất là từ khi sách ra đời ghi chép, lưu giữ tất cả giá trị văn minh. Sách là cái thẩn bí trong những cái thần kì mà nhân loại sáng tạo nên. Sách là cái cần có để lưu giữ và truyền lại cho người sau, cho thế hệ sau, những hiểu biết của mình về thế giới xung quanh, những khám phá về vũ trụ, về con người, cả những ý nghĩ, những quan niệm, những mong muốn về cuộc sống cần trao gửi đến đời sau.
b. Sách, đó là kho tàng chứa đựng những hiểu biết của con người đã được khám phá, chọn lọc, thử thách, tổng hợp. Sách là nơi kết tinh những tư tưởng tiên tiến nhất của các thời đại, những hoài bão mạnh mẽ nhất, những tình cảm tha thiết nhất của con người. Chỉ có những gì mà con người cảm thấy bức xúc cần nói, cần truyền lại, mới đi vào sách. Sách chính là kết quả của lao động trí tuệ.
c. Tác động của sách không hề bị giới hạn bởi thời gian và không gian. Con người ngày nay vẫn không hề giảm sút hứng thú tìm lại những trang sách đã có hàng nghìn năm, từ những hình vẽ bí hiểm trên những phiến đất sét, những chữ cái từ lâu đã trở nên lạ lùng trên các tấm da cừu, những con chữ tượng hình trên các thẻ tre … Cho đến hôm nay, những cuốn sách được in hàng loạt bằng máy in điện tử hiện đại. Một người sống ở một làng hẻo lánh châu Á cũng có thể đọc được cuốn sách của một người viết từ một đất nước xa xôi ở châu Mĩ. Thật có thể nói không ngoa rằng: có sách, các thế kỉ và các dân tộc xích lại gần nhau hơn.
Phần 2: Sách mở rộng những chân trời mới
a. Mỗi con người sống trong một phạm vi không gian nhất định, thời gian đời người là hữu hạn, nhưng khát vọng hiểu biết của con người lại là vô hạn. Ngay từ khi còn nhỏ, con người đã được học chữ để có khả năng tiếp cận với một nguồn tri thức vô hạn là sách. Những cuốn sách khoa học tự nhiên giúp trí óc con người khám phá vũ trụ với những quy luật, bản chất sự vật, hiện tượng tự nhiên quanh mình. Những cuốn sách khoa học xã hội lại cho ta bao hiểu biết về đời sống cộng đồng trên các đất nước khác nhau với những đặc điểm kinh tế, văn hóa, lịch sử…
b. Sách đem đến cho ta bao kiến thức về cuộc sống con người qua các thời kì khác nhau. Ta biết được chiến tranh thế giới tàn khốc, biết được sự nghèo đói và sức hủy diệt của chiến tranh thông qua các trang sách về lịch sử. Ta cũng biết được xã hội nguyên thủy ăn lông ở lỗ, săn bắt, hái lượm như thế nào qua sách. Thực vậy, sách tái hiện lại hiện thực khách quan thông qua thế giới hình tượng. Hơn nữa, qua sách, tâm tư tình cảm, đời sống văn hóa của con người cũng được thể hiện trong sách. Những bộ sử thi, giai thoại cho ta biết đời sống tín ngưỡng, con người của thời đại. Nào những Truyện Kiều, Chinh phụ ngâm làm ta thấu hiểu được thân phận người con gái, xã hội phong kiến bất công, tàn nhẫn ra sao…
c. Sách giúp con người tự khám phá dân tộc mình. Qua lời kể của các nhà sử gia, các tác phẩm văn học mà người Việt ta biết được đất nước mình từng gian nan như thế nào để chống ngoại xâm, để giữ nước và bước qua hàng ngàn năm lịch sử. Cũng nhờ sách, con người tự khám phá bản thân mình, chắp cánh những ước mơ, nuôi dưỡng khát vọng. Tự soi mình vào kho tàng tri thức nhân loại, con người mới nhận ra hiểu biết của mình thật nhỏ bé giữa đại dương tri thức. Từ đó mà thấy được mặt tốt – xấu của bản thân mình, những cuốn sách như Hạt giống tâm hồn, Tôi tài giỏi bạn cũng thế… phần nào khích lệ, động viên rất nhiều người dũng cảm đến với mơ ước riêng mình.
Phần 3: Cần có thái độ đúng với sách
Đọc sách mang lại rất nhiều lợi ích. Nhưng không phải ai cũng biết đọc sách cho đúng. Sách có nhiều loại, có sách tốt, sách xấu, có những sách phù hợp, nhưng cũng có những sách không phù hợp. Vì vậy, khi đọc sách trước tiên phải biết chọn sách mà đọc. Biết học hỏi và làm theo những điều tốt đẹp trong sách. Đồng thời, với học sinh, chỉ học trong sách vở là chưa đủ, kiến thức phải được tiếp thu cả trong thực tế.