Bài 1 (trang 139 sgk Lịch sử 7): Công cuộc khai hoang ở thời Nguyễn có tác dụng như thế nào?
Lời giải:
Việc đẩy mạnh công cuộc khai hoang đã tăng thêm diện tích ruộng đất canh tác, giải quyết việc làm cho dân nghèo.
Bài 2 (trang 139 sgk Lịch sử 7): Em có nhận xét gì về tình hình thủ công nghiệp ở thời Nguyễn?
Lời giải:
– Tình hình thủ công nghiệp nước ta thời Nguyễn ở nông thôn và thành thị vẫn không ngừng phát triển. Nhiều làng nghề thủ công nổi tiếng khắp nước như: Bát Tràng (Hà Nội), dệt lụa Vạn Phúc (Hà Nội)…
– Những hoạt động thủ công nghiệp trong dân gian còn rất phân tán. Thợ thủ công phải nộp thuế sản phẩm nặng nề.
Bài 3 (trang 139 sgk Lịch sử 7): Chính sách ngoại thương của nhà Nguyễn với những nước phương Tây được thể hiện như thế nào?
Lời giải:
Đối với các nước phương Tây, mặc dù họ vẫn đến buôn bán ở các hải cảng nhưng nhà Nguyễn không cho người phương Tây mở cửa hàng. Họ chỉ được ra vào một số cảng quy định, thực hiện chính sách “bế quan tỏa cảng”.
Bài 1 (trang 142 sgk Lịch sử 7): Ở nửa đầu thế kỉ XIX, nước ta có những điều kiện gì mới để phát triển kinh tế được thuận lợi?
Lời giải:
– Đất nước đã thống nhất có điều kiện rất thuận lợi để phát triển kinh tế (khai thác và huy động được nhân tài vật lực, các nguồn tài nguyên của cả nước…).
– Được kế thừa các thành tựu về kinh tế công thương nghiệp của các thế kỉ XVI, XVII, XVIII, nên có thuận lợi để tiếp tục phát triển.
Bài 2 (trang 142 sgk Lịch sử 7): Tóm tắt những nét chính các chính sách của nhà Nguyễn về chính trị, đối ngoại, kinh tế, xã hội.
Lời giải:
– Chính trị:
+ Nguyễn Ánh lên ngôi Hoàng đế (năm 1802), lập lại chế độ phong kiến tập quyền.
+ Chia cả nước thành 30 tỉnh và một phủ trực thuộc (Thừa Thiên).
+ Quân đội gồm nhiều binh chủng, xây thành trì và thiết lập hệ thống trạm ngựa dọc theo chiều dài đất nước.
– Đối ngoại:
+ Thần phục nhà Thanh.
+ Đối với các nước phương Tây thì khước từ mọi tiếp xúc.
– Kinh tế:
+ Nông nghiệp: Chú trọng khai hoang, thi hành các biện pháp di dân lập ấp và đồn điền…
+ Công thương nghiệp: Lập nhiều xưởng đúc tiền, đúc súng, đóng tàu.. Các nghề thủ công vẫn phát triển nhưng còn phân tán…
– Xã hội:
Đời sống nhân dân cơ cực, nhiều cuộc khởi nghĩa nổ ra.
Bài 3 (trang 142 sgk Lịch sử 7): Những nguyên nhân dẫn đến cuộc sống khổ cực của nhân dân ta.
Lời giải:
– Địa chủ, hào lí chiếm đoạt ruộng đất.
– Quan lại tham nhũng, tô thuế phu dịch nặng nề.
– Nạn dịch bệnh, nạn đói hoành hành khắp nơi.
Bài 4 (trang 142 sgk Lịch sử 7): Tóm tắt những nét chính về 3 cuộc khởi nghĩa lớn ở nửa đầu thế kỉ XIX.
Lời giải:
Tên khởi nghĩa | Mục tiêu đấu tranh | Thành phần tham gia | Người lãnh đạo | Kết quả |
1. Cuộc khởi nghĩa của Phan Bá Vành | Nổi dậy chống địa chủ, quan lại | Nông dân trong vùng | Phan Bá Vành | Các cuộc khởi nghĩa đều thất bại |
2. Cuộc khởi nghĩa của Nông Văn Vân | Không chịu nổi sự chèn ép của triều đình nên nổi dậy | Người Mường, người Việt ở trung du | Nông Văn Vân và một số tù trưởng | |
3. Cuộc khởi nghĩa của Lê Văn Khôi | Chống vương triều Nguyễn | Nhân dân 6 tỉnh Nam Kì | Lê Văn Khôi |