Bài 1: (trang 142 SGK Sinh 9)
Hãy lấy hai ví dụ chứng minh các cá thể trong quần thể hỗ trợ, cạnh tranh lẫn nhau.
Đáp án và hướng dẫn giải bài 1:
Ví dụ trong quần thể ong mật:
Có sự phân công để cùng hỗ trợ cho nhau:
- Ong chúa: chuyên nhiệm vụ sinh sản.
- Ong thợ có nhóm giữ nhiệm vụ hút mật, lấy phấn hoa, có nhóm làm vệ sinh tổ, nhóm bảo vệ…
Khi số lượng cá thể trong quần thể tăng mạnh gây ra sự cạnh tranh gay gắt nhau về thức ăn, nơi ở dẫn đến sự xẻ đàn thì cạnh tranh mới được giảm nhẹ.
Bài 2: (trang 142 SGK Sinh 9)
Từ bảng số lượng cá thể của ba loài sau, hãy vẽ hình tháp tuổi của từng loài trên giấy kẻ li và nhận xét hình tháp đó thuộc dạng hình tháp gì?
Loài sinh vật | Nhóm tuổi trước sinh sản | Nhóm tuổi đang sinh sản | Nhóm tuổi sau sinh sản |
Chuột đồng | 50 con/ha | 48 con/ha | 10 con/ha |
Chim trĩ | 75 con/ha | 25 con/ha | 5 con/ha |
Nai | 15 con/ha | 50 con/ha | 5 con/ha |
Đáp án và hướng dẫn giải bài 2:
Hình tháp của chuột đồng có dạng ổn định.
Hình tháp của chim trĩ có dạng phát triển.
Hình tháp của nai có dạng giảm sút.
Bài 3: (trang 142 SGK Sinh 9)
Mật độ các cá thể trong quần thể được điều chỉnh quanh mức cân bằng như thế nào?
Đáp án và hướng dẫn giải bài 3:
Mật độ quần thể không cố định mà thay đổi theo mùa, theo năm và phụ thuộc vào chu kì sống của sinh vật. Cơ chế điều hòa mật độ quần thể trong trường hợp mật độ xuông thấp hoặc tăng cao duy trì trạng thái cân bằng của quần thể:
- Khi mật độ cá thể quá cao, điều kiện sống suy giảm, trong quần thể xuất hiện những dấu hiệu làm giảm số lượng cá thể như hiện tượng di cư của một bộ phận cá thể trong quần thể, giảm khả năng sinh sản và mắn đẻ của các cá thể cái, giảm mức sống sót của các cá thể non và già,…
- Khi mật độ cá thể giảm tới mức thấp nhất định, quần thể có cơ chế điều chỉnh số lượng theo hướng ngược lại, khả năng sinh sản và khả năng sống sót của các cá thể trong quần thể tăng cao hơn.